Hưng Yên: ‘Trái ngọt’ từ trồng nhãn VietGAP
Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn: Hậu Covid-19, DN phải tranh thủ làm những điều mà Việt Nam chưa từng làm được / Bến Tre: Xoài tứ quý 'lên đời' trên vùng đất giồng cát
Mỗi khi nhắc đến Hưng Yên, nhiều người hẳn liên tưởng ngay đến loại nhãn lồng mang nét đặc trưng của vùng đất này. Tuy nhiên, một số chuyên gia nông nghiệp cho biết, “nhãn lồng Hưng Yên” là gọi chung, kỳ thực nhãn huyện Tiên Lữ mới là ngon nhất, chỉ sau nhãn lồng Phố Hiến. Tại “vựa nhãn” này, HTX cây ăn quả xã Nhật Tân tuy mới thành lập nhưng đã nhanh chóng trở thành một mô hình sản xuất hiệu quả, được nhiều người dân trong và ngoài huyện đến thăm quan, học hỏi.
Hướng tới sản xuất sạch
HTX cây ăn quả xã Nhật Tân được thành lập vào ngày 19/9/2018, có trụ sở chính tại thôn Cao Đoài, xã Nhật Tân, gồm 20 thành viên tham gia, vốn điều lệ 805 triệu đồng. Ngành nghề kinh doanh của HTX là trồng cây ăn quả vải, nhãn, bưởi, ổi và một số cây ăn quả khác; nhân và chăm sóc cây giống nông nghiệp; buôn bán thực phẩm; bán lẻ thực phẩm trong các cửa hàng chuyên doanh.
Ban đầu, HTX đặt kế hoạch tổng diện tích cây ăn quả đạt khoảng 14ha, phấn đấu 100% diện tích sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGAP; từng bước mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả ra các vùng có điều kiện phù hợp, kết nạp thêm các thành viên mới… Sản phẩm cây ăn quả được thu hoạch, sơ chế đóng gói đúng quy cách; sản lượng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP dự kiến 150 tấn/vụ/năm. Với giá bán 35.000 - 40.000 đồng/kg quả tươi, dự kiến tổng doanh thu của HTX trong 3 năm đầu là 5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 2 tỷ đồng.
Vụ nhãn năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều vườn nhãn trên địa bàn huyện Tiên Lữ có tỷ lệ ra hoa thấp, nhưng các vườn nhãn của HTX cây ăn quả xã Nhật Tân vẫn có tỷ lệ ra hoa lên tới 80% tổng diện tích.
Có được điều này là do HTX đã tập hợp những nông dân, chủ vườn giàu kinh nghiệm, tâm huyết với các loại cây ăn quả, cây đặc sản ở địa phương. Với hơn 40 thành viên, mỗi ngày ở HTX đều bắt đầu bận rộn với công việc làm vườn, chăm cây…
“HTX luôn ưu tiên, duy trì ổn định diện tích trồng nhãn đặc sản như nhãn muộn Khoái Châu, nhãn Hương Chi, nhãn đường phèn… Năm nay, do thời tiết nắng ấm kéo dài, HTX cùng với các thành viên trồng nhãn đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật cho từng đối tượng, độ tuổi của cây, thực hiện sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, nhờ đó tỷ lệ nhãn ra hoa đạt trung bình 75 - 80%, một số hộ làm tốt đạt tỷ lệ 90%”, Giám đốc HTX Nguyễn Duy Quý chia sẻ.
Chất lượng là “gốc rễ” phát triển bền vững
Tổng diện tích trồng nhãn của HTX hiện đạt trên 40 mẫu, vẫn được duy trì ổn định từ ngày thành lập. Theo chia sẻ của các thành viên, mặc dù quan tâm tới cây ăn quả đặc sản nhưng HTX luôn quán triệt các thành viên ổn định diện tích trồng nhãn theo chỉ đạo của tỉnh, của huyện, tập trung vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và sản xuất an toàn.
HTX hướng tới mục tiêu đạt 100% diện tích sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGAP (Ảnh: TL)
Ngay từ sau vụ nhãn năm trước, các thành viên của HTX đã được tập huấn kỹ thuật chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây nhãn như: Chăm sóc nhãn sau thu hoạch, cách tỉa cành, làm cỏ, bón phân theo từng giai đoạn của cây… Nhờ đó mỗi cây nhãn đều được “hưởng chế độ” chăm sóc tốt nhất, cây khỏe mạnh, đón được thời điểm thích hợp để trổ hoa, kết quả.
Thời tiết nắng ấm kéo dài làm cho nhãn có thể không ra hoa hoặc chậm ra hoa. Để khắc phục hiện tượng này, ngay sau khi thu hoạch cần tỉa bớt cành - là công đoạn chăm sóc bắt buộc mà bất kỳ nhà vườn nào cũng phải thực hiện và phải hoàn thành càng sớm càng tốt.
Ông Nguyễn Quang Hải - thành viên HTX, cũng là cán bộ kỹ thuật của HTX chia sẻ: “Chúng tôi rất mừng khi toàn bộ diện tích nhãn của các thành viên trong HTX năm nayđều ra hoa, đậu quả. Đến nay, HTX đã tổ chức 2 buổi chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nhãn, cùng với đó hàng ngày, hàng tuần các thành viên đều gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trực tiếp với nhau ngay tại vườn”.
Thành viên làm vườn giàu kinh nghiệm của HTX nhấn mạnh, công đoạn tỉa tán, bón phân phục hồi cho cây nhãn sau thu hoạch phải hoàn thành trước tháng 10 âm lịch để khống chế không cho cây nảy lộc đông. Liền sau công việc này là xới, xáo gốc, vệ sinh vườn sạch sẽ, đến khoảng 25/10 âm lịch cần phun bổ sung phân bón kali cho nhãn. Khoảng 20 ngày sau cần tiến hành phun thuốc kích thích phát triển mầm; sau 40 ngày phun lại lần 2. Bên cạnh đó, cân đối dinh dưỡng, nguồn nước tưới. Nếu thực hiện tốt các biện pháp này, tỷ lệ nhãn ra hoa, đậu quả sẽ cao. Quan trọng nữa trong việc chăm sóc nhãn là việc bổ sung phân bón thường xuyên, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ để cây bền, đất tốt.
Thời gian tới, HTX phấn đấu đạt 100% diện tích sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGAP, từng bước mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả ra các vùng có điều kiện phù hợp, kết nạp thêm các thành viên mới, hướng tới sản xuất an toàn, bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảng Chu Lai mở tuyến hàng hải kết nối thị trường Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 20/11/2024: USD giảm giá, tín hiệu tích cực từ chính sách Fed
Giá vàng trong nước ngày 20/11: Tăng theo xu hướng vàng thế giới
Thúc đẩy thanh toán không tiếp xúc
Công bố 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024
Giá vàng thế giới ngày 20/11: Căng thẳng Nga - Ukraine khiến giá vàng đạt đỉnh một tuần
Nhờ chăm sóc theo đúng quy trình, nhãn VietGAP vẫn sai quả dù thời tiết bất lợi (Ảnh: TL)