IMF đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới, cảnh báo một loạt nguy cơ
FiinRatings: Thắt chặt cá nhân tham gia trái phiếu doanh nghiệp là hợp lý / Tàu Costa Serena đưa gần 3.500 du khách quốc tế đến Đà Nẵng
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới công bố, IMF vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 3,2%, giống như mức dự báo vào tháng 7. Tuy nhiên, đối với năm 2025, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,2%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Trong trung hạn, tăng trưởng dự kiến chỉ còn trung bình 3,1% trong vòng 5 năm, thấp hơn đáng kể so với xu hướng trước đại dịch COVID-19.
Báo cáo này cho biết, IMF đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm nay thêm 0,2 điểm phần trăm, đạt mức 2,8%, chủ yếu nhờ vào tiêu dùng vượt dự kiến, được thúc đẩy bởi tiền lương và giá trị tài sản tăng. Dự báo cho tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2025 cũng tăng thêm 0,3 điểm phần trăm, đạt 2,2%.
IMF đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Brazil cho năm 2024 thêm 0,9 điểm phần trăm, đạt mức 3%, do tiêu dùng và đầu tư tư nhân tăng mạnh. Ngược lại, dự báo cho tăng trưởng kinh tế Mexico lại bị hạ 0,7 điểm phần trăm, chỉ còn 1,5%, do ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ thắt chặt.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay được IMF giảm dự báo 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 4,8%, trong bối cảnh xuất khẩu ròng tăng đã phần nào bù đắp cho lĩnh vực bất động sản suy yếu và niềm tin tiêu dùng thấp. Đối với năm 2025, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc vẫn ở mức 4,5%, nhưng chưa bao gồm tác động từ các kế hoạch kích thích tài chính mới được chính quyền Bắc Kinh công bố gần đây.
IMF dự báo nền kinh tế Đức sẽ suy giảm trong năm nay, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước do ngành sản xuất của quốc gia này tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2024 giảm xuống còn 0,8% và năm 2025 còn 1,2%, dù kinh tế Tây Ban Nha được điều chỉnh tăng thêm 0,5 điểm phần trăm, đạt 2,9%.
Ấn Độ tiếp tục là quốc gia có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong các nền kinh tế lớn, với dự báo tăng trưởng đạt 7% vào năm 2024 và 6,5% vào năm 2025, không thay đổi so với dự báo vào tháng 7.
IMF cũng cảnh báo về những nguy cơ có thể đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế, bao gồm khả năng giá dầu và các mặt hàng khác tăng vọt nếu các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine leo thang. IMF cũng nhấn mạnh đến nguy cơ gia tăng thuế quan nhập khẩu và các biện pháp trả đũa. Nếu Mỹ, Eurozone và Trung Quốc áp thêm thuế 10% đối với nhau và Mỹ tăng thuế 10% với các quốc gia khác, dòng người di cư đến Mỹ và châu Âu sẽ giảm, trong khi thị trường tài chính sẽ biến động. IMF có thể điều chỉnh giảm dự báo GDP toàn cầu 0,8% vào năm 2025 và 1,3% vào năm 2026. Cơ quan này cũng cảnh báo các quốc gia không nên theo đuổi các chính sách bảo hộ ngành công nghiệp và người lao động trong nước, vì những chính sách này thường không mang lại sự cải thiện bền vững cho mức sống.
Trong một cuộc phỏng vấn, nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, cho biết ở một số quốc gia, chính sách tiền tệ có thể sẽ tiếp tục bị thắt chặt mà không có dấu hiệu cắt giảm lãi suất, dù lạm phát đã giảm, gây áp lực lên tăng trưởng và việc làm.
IMF cũng nhấn mạnh trong báo cáo mới nhất rằng quá trình chuyển đổi sang xe điện trên toàn cầu sẽ có tác động sâu rộng đến đầu tư, sản xuất, thương mại quốc tế và việc làm. Cơ quan này lưu ý rằng ngành ô tô toàn cầu vốn có mức lương cao, lợi nhuận tốt, thị trường xuất khẩu lớn và công nghệ tiên tiến. Việc thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện sẽ thay đổi cục diện này, đặc biệt nếu Trung Quốc tiếp tục giữ vững lợi thế về sản xuất và xuất khẩu so với Mỹ và châu Âu. Trong các kịch bản xe điện, GDP của châu Âu dự kiến giảm khoảng 0,3% trong trung hạn. Số lượng việc làm trong ngành ô tô sẽ giảm và lao động sẽ dần chuyển sang các ngành sử dụng ít vốn hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển