Khoảng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nắm bắt được lợi ích từ EVFTA
DNVN - Tại cuộc họp báo sau lễ ký kết Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA giữa Việt Nam và EU vào chiều 30/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận thực tế có 70% DNNVV Việt Nam không nắm được thông tin về EVFTA bởi thông tin về các hiệp định thương mại tự do thời gian vừa qua chưa có sự lan tỏa kịp thời tới cộng đồng doanh nghiệp.
Xuất khẩu cà phê mang về hơn 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2019 / Ký kết EVFTA và IPA: Chính thức mở ra "cao tốc kinh tế" cho Việt Nam - EU
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, với việc ký kết hiệp định EVFTA, những năm tới, xuất khẩu, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, tăng trưởng thương mại có thể lên tới 20% trong những năm đầu tiên. Đồng thời, sẽ giúp Việt Nam có động lực, cơ sở quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực thi các cam kết hội nhập.
Doanh nghiệp và người dân sẽ có thuận lợi trong việc cắt giảm thuế quan nhưng châu Âu là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, thực thi pháp luật về đầu tư. Do đó, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để tổ chức lại, đảm bảo năng lực cạnh tranh, phát triển phù hợp với thị trường châu Âu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc họp báo chiều 30/6.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công Thương thừa nhận, người dân Việt Nam với trình độ thấp hơn, doanh nghiệp và nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn nên có nhiều thách thức đặt ra cũng như khó khăn trong việc tận dụng cơ hội. Con số 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam không nắm được thông tin về EVFTA là thực tế bởi thông tin về các hiệp định thương mại tự do thời gian vừa qua chưa có sự lan tỏa kịp thời tới cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến người dân, đến doanh nghiệp. Do đó, tới đây, Bộ Công Thương đã có chương trình phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp, người dân để cung cấp thông tin đến nhân dân kịp thời nhất. Với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần tập trung vào vấn đề lớn, chủ động nghiên cứu toàn diện các nội dung của hiệp định, đặc biệt chương trình hành động của Chính phủ.
Châu Âu đòi hỏi cao về chất lượng, hàng rào kỹ thuật cũng như việc thực thi các điều kiện về pháp luật rất cao. Các doanh nghiệp chúng ta phải nghiên cứu khi thâm nhập thị trường, đầu tư... để đáp ứng được yêu cầu của châu Âu.
Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất… Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.
Nhấn mạnh vai trò của chính các doanh nghiệp trong việc tận dụng những ưu đãi của EVFTA, bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại của Liên minh châu Âu cho rằng, Việt Nam cần phải giảm tệ quan liêu, hành chính, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại nói chung và EVFTA nói riêng.
Chia sẻ với báo giới, Bộ trưởng Môi trường kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Romania Stefan-Radu Oprea đã nhấn mạnh đến từ khóa "lòng tin". Hiệp định EVFTA tạo ra cầu nối, những quy định đều mang tính công bằng, minh bạch. Các hiệp định sẽ không thể thực thi được nếu không có sự tin tưởng lẫn nhau, kể cả những người tiêu dùng, người lao động vì hiệp định này có những tiêu chuẩn rất cao.
Chiều 30/6, tại Hà Nội, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó thủ tướng Việt Nam cùng các đại biểu hai bên, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). EU coi EVFTA là thỏa thuận thương mai tự do tham vọng nhất từ trước đến nay mà EU đã ký kết với một quốc gia đang phát triển. EVFTA cho phép xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam. Tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020. Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên 42,7% và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Trong khi đó, tốc độ nhập khẩu hàng hóa từ EU vào Việt Nam cũng tăng khoảng 15,28% vào năm 2020. Đến năm 2025 sẽ tăng thêm 33,06% và năm 2030 tăng 36,7%. Cũng theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023. Đến giai đoạn 2024-2028, EVFTA làm tăng GDP thêm 4,57-5,30%. Giai đoạn 2029-2033, hiệp định làm GDP tăng thêm 7,07-7,72%. Tuy nhiên, để đạt được kết quả nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động, tích cực chuẩn bị hàng hóa đáp ứng đủ tiêu chuẩn của EU, tìm kiếm đối tác để mở rộng xuất khẩu sang thị trường này... |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Cột tin quảng cáo