Thị trường

Ký kết EVFTA và IPA: Chính thức mở ra "cao tốc kinh tế" cho Việt Nam - EU

DNVN - Chiều 30/6, tại Hà Nội, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó thủ tướng Việt Nam cùng các đại biểu hai bên, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).

Rà soát chặt chẽ giá điện cho người thuê trọ tại Thủ đô / Xuất khẩu cà phê mang về hơn 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2019

Thời khắc lịch sử trong quan hệ Việt Nam-EU

Phát biểu ngay sau lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các đối tác EU và đánh giá các bộ, ban ngành, các cơ quan của chính phủ đã phối hợp với các đối tác EU trong quá trình đàm phán dẫn đến ký kết.

Thủ tướng nêu rõ, EU với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam là đối tác, là quốc gia giàu tiềm năng, đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á. Việt Nam rất vui mừng hợp tác với EU, ở một nền văn minh tiên tiến, khối kinh tế phát triển, mở rộng hợp tác với 28 thành viên với EU, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

EVFTA và IPA như hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối liền EU và Việt Nam, để hai bên tiếp cận thị trường của nhau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc ký hiệp định mới chỉ là bước đầu. Việt Nam sẽ ban hành chương trình hành động quốc gia để thực thi 2 hiệp định, gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo, hướng đến mục tiêu xây dựng Việt Nam lớn mạnh, hùng cường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, người đại diện Chính phủ Việt Nam ký kết EVFTA, nêu quan điểm, việc ký kết hiệp định làm tăng cường quan hệ song phương, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế tương mại, cùng mang lại lơi ích cho cả 2 bên.

Việt Nam - EU chính thức ký kết EVFTA và IPA vào chiều 30/6/2019. (Ảnh: VGP)

Việt Nam - EU chính thức ký kết EVFTA và IPA vào chiều 30/6/2019. (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc tới một số việc cần làm sắp tới là các cơ quan có thẩm quyền của hai bên sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn để EVFTA và IPA có hiệu lực; chuẩn bị các bước triển khai hiệu quả cho cả người dân và doanh nghiệp hai bên.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người đại diện Chính phủ Việt Nam ký kết Hiệp định IPA, cho rằng: IPA giúp tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

Cơ hội và thách thức

Theo thống kê của EU, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và EU đạt gần 50 tỷ euro/năm, chỉ sau Singapore ở khu vực Đông Nam Á. Thông cáo phát đi từ EU cho biết, EU coi EVFTA là thỏa thuận thương mai tự do tham vọng nhất từ trước đến nay mà EU đã ký kết với một quốc gia đang phát triển. EVFTA cho phép xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam.

 

Hiện nay, EU mới chỉ ký hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore ở khu vực châu Á. Việt Nam là nước châu Á thứ tư ký kết FTA với EU.

Tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020. Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên 42,7% và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.

Trong khi đó, tốc độ nhập khẩu hàng hóa từ EU vào Việt Nam cũng tăng khoảng 15,28% vào năm 2020. Đến năm 2025 sẽ tăng thêm 33,06% và năm 2030 tăng 36,7%.

Cũng theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019-2023. Đến giai đoạn 2024-2028, EVFTA làm tăng GDP thêm 4,57-5,30%. Giai đoạn 2029-2033, hiệp định làm GDP tăng thêm 7,07-7,72%.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động, tích cực chuẩn bị hàng hóa đáp ứng đủ tiêu chuẩn của EU, tìm kiếm đối tác để mở rộng xuất khẩu sang thị trường này...

 


Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm