Kinh doanh online mùa Tết
Các làng nghề ở tỉnh Hà Nam rộn ràng chuẩn bị hàng Tết / Mua hàng Tết trên mạng: Cười ra nước mắt!
Giới thiệu đặc sản quê hương
Để tạo nét khác biệt và nhất là thuận tiện trong khâu lựa chọn, kiểm định chất lượng sản phẩm, nhiều chị em bán hàng Tết qua mạng chọn bán các loại đặc sản quê hương. Và không ít trong số đó là “đồ nhà làm”, mang lại sự tin tưởng, ủng hộ của nhiều khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, quê ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, đang làm việc tại phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ tham gia kinh doanh bán hàng qua mạng cách nay hơn 3 năm. Khi đó, chị chọn bán các sản phẩm quần áo và vài loại trái cây sạch ở quê nhà. Do bận bịu con cái nên chị tạm ngưng buôn bán 2 năm nay. Dịp Tết này, chị mới quyết định trở lại nghề cũ với các sản phẩm phục vụ nhu cầu Tết. Khoảng gần 1 tháng nay, chị Thảo đăng bán trên trang cá nhân facebook và zalo của mình 2 sản phẩm chủ đạo: cây lựu đỏ và mứt chôm chôm.
Chị Thảo cho biết: “Cây lựu đỏ thì tôi lấy ở vườn một người em ở tỉnh Đồng Tháp, phục vụ khách đặt mua về để chưng Tết với mong muốn năm mới nhiều may mắn. Còn mứt chôm chôm, tôi lấy bán từ cơ sở của cậu ruột ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Vì thế, tôi hoàn toàn tin tưởng vào độ sạch và lành của sản phẩm. Mứt chôm chôm hiện là một trong những đặc sản của tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long. Món này xuất hiện trên thị trường hơn 2 năm nay nhưng rất nhiều thực khách gần, xa chưa từng nếm qua. Chính cái “độc-lạ” của sản phẩm, đem lại sức hút cho chính nó và giúp tôi “ra đơn” nhiều hơn. Chị Thảo cho biết thêm, xứ Chợ Lách, tỉnh Bến Tre và xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long trồng chôm chôm rất nhiều, cung ứng nguồn nguyên liệu dồi dào để cậu làm mứt. Hơn 2 năm nay, món mứt chôm chôm của cậu rất được thực khách TP Hồ Chí Minh ưa chuộng, đặc biệt là dịp Tết. Còn chị Thảo bán qua mạng mới nửa tháng nay cũng được gần 200 hộp, tương đương 100kg mứt.
Bạn Lê Thúy Duy, đang làm việc ở một đơn vị sự nghiệp tại trung tâm TP Cần Thơ, có thâm niên 5 năm bán các loại đặc sản quê hương Cà Mau dịp Tết. Các sản phẩm chủ lực mùa Tết của Duy là bánh phồng Năm Căn, khô các loại, tất cả đều có nguồn gốc nhà làm hoặc bà con hàng xóm ở quê làm. Ngoài ra, còn có một số hải sản tươi sống, là thế mạnh của vùng quê biển Cà Mau. Duy khoe: “Bánh phồng Năm Căn là đặc sản quê ngoại tôi. Cả xóm nhà ngoại chuyên làm bánh phồng rất nổi tiếng. Một trong những nguyên liệu chính của bánh là tôm đất tươi, rất ngon. Vì thế, ban đầu, người quen tin tưởng, mua ủng hộ. Nhưng dần dà, nhờ chất lượng sản phẩm tốt nên nhiều người biết hơn. Đến nay, khách hàng của tôi ở rất nhiều tỉnh, thành từ Bắc vào Nam, xa nhất là TP Hà Nội, tỉnh Điện Biên, Cao Bằng”.
Thu nhập khá
Hướng đến nhu cầu của khách hàng về thực phẩm đa dạng khẩu vị, dinh dưỡng và mua bán tiện lợi với mức chi phí vừa phải, chị Nguyễn Thị Kim Ngân ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ chọn kinh doanh các loại thực phẩm: bắp rang cay, trái cây sấy khô, kẹo chuối, khô gà, hạt dẻ cười, đậu phộng sấy, hạt điều, hạt hạnh nhân... Chị Ngân cho biết: “Tôi chỉ mới kinh doanh mùa Tết này, khách hàng chưa có nhiều. Nhưng tầm 1 tháng nay, các món: khô mực xé, mứt chùm ruột, trái cây sấy, bánh tai heo đang bán chạy nhất. Bán hàng Tết nếu so với làm ruộng thì đỡ cực hơn nhiều”.
Ngoài thời gian làm việc giờ hành chính, buổi tối bán hàng qua mạng facebook và zalo, kiếm thêm được nguồn thu nhập từ 6-8 triệu đồng /tháng, Duy rất vui. Duy chia sẻ: “Tôi nghĩ, bán lấy công làm lời, nhưng qua đó, không chỉ tạo việc làm và thu nhập thêm cho mình mà còn cho người thân ở quê. Đặc biệt là giới thiệu đặc sản quê hương đến nhiều nơi trong cả nước. Bán hàng tuy cực nhưng vui!”. Gần Tết, khách đặt hàng nhiều, những khách quen hoặc ở gần trong nội ô Cần Thơ, Duy tranh thủ đi giao tận nơi sau giờ làm, còn khách ở xa một chút thì Duy thuê các em sinh viên giao giúp. Tết này, với khách ở tỉnh xa, Duy chốt đơn đặt hàng từ 24 tháng Chạp và tiếp tục nhận đặt hàng của khách ở nội ô Cần Thơ đến 29 Tết, để sáng sớm 30 Tết Duy lên xe về quê ăn Tết cùng gia đình ở Cà Mau.
Chọn bán hàng qua mạng làm nghề chính, chị Ngô Thị Bích Liễu, ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) bán khá nhiều món đặc sản của tỉnh Trà Vinh, cũng là quê hương của chị. Riêng Tết này, chị ưu tiên bán các sản phẩm: khô mực, khô cá biển các loại và tôm khô. Hầu hết các sản phẩm này cũng đều do người thân của chị ở quê làm, gửi lên cho chị bán. Chị Liễu chia sẻ: “Anh chị thứ Hai chuyên nghề đi biển nên luôn có nguồn hải sản tươi. Anh chị còn mua thêm tôm đất về tự luộc, phơi làm tôm khô hoặc làm mắm, rất ngon. Tận dụng lợi thế này, tôi phát triển nghề bán hàng qua mạng mà sản phẩm chính là các loại đặc sản quê hương khoảng 2 năm nay. Nhờ thu nhập từ nghề này, tôi đủ lo chi phí cho con gái đang học cấp 1 và một số chi phí lặt vặt trong nhà”.
Dù việc mua bán qua mạng các sản phẩm phục vụ Tết chỉ sôi động trong khoảng 2 tháng nhưng các chị em nhạy bén, tận dụng công nghệ và sự tiện lợi của mạng xã hội hoàn toàn có thể kiếm được khoản thu nhập rất khá. Bên cạnh đó, nếu buôn bán có uy tín, các chị em còn giúp quảng bá đặc sản quê hương cực kỳ hiệu quả
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Xăng giảm giá
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước