Kinh tế thế giới có triển vọng tăng 5,4% trong năm 2021
Việt Nam trong Top 5 nước sản xuất điện thoại lớn nhất trên thế giới / Ấn Độ cáo buộc pin năng lượng mặt trời xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam có biên độ phá giá cao
Theo báo cáo tổng hợp của công ty chứng khoán MBS, nền kinh tế toàn cầu hiện được dự báo sẽ tăng trưởng 5,4% vào năm 2021, đánh dấu sự điều chỉnh đi lên so với mức dự báo tăng trưởng 4,7% trước đó. Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ và Trung Quốc tạo tiền đề cho sự tăng trưởng của thế giới. Với việc triển khai vaccine nhanh chóng, kèm theo các gói kích thích khổng lồ và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế, Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2021 - tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1966.
Được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ trong xuất khẩu và nhu cầu nội địa mạnh mẽ, kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 8,2% trong năm nay. Tuy nhiên, triển vọng kém lạc quan hơn đối với các nền kinh tế còn lại trên thế giới. Châu Âu, vẫn đang phải vật lộn để kiềm chế làn sóng đại dịch thứ hai, được dự báo sẽ chỉ tăng 4,1% trong năm 2021 - con số này sẽ khó bù đắp cho những thiệt hại về sản lượng vào năm 2020.
Theo số liệu của IMF, GDP quý 1/2021 của Mỹ và Trung Quốc lần lượt tăng 6,4% và 18,3%, tăng đột biến so với mức -5,0% và -10,0% vào quý 1/2020. Với tốc độ tăng trưởng kỷ lục và các tín hiệu vô cùng tích cực, các chuyên gia cho rằng 2 quốc gia này có thể đạt được mức tăng trưởng như dự kiến năm 2021. Bên cạnh đó, GDP quý 1/2021 của Anh và Pháp lần lượt đạt mức tăng 1,5% và 0,4%. Tuy mức tăng còn khiêm tốn nhưng đã mang đến tín hiệu lạc quan so với mức âm 2,2% và âm 5,9% của quý 1/2020. Các quốc gia khác tại châu Âu như Đức, Ý và Tây Ban Nha vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch đem lại. Kết quả GDP quý 1 năm 2021 lần lượt là âm 3,0%, âm 1,4% và âm 4,3% n/n so với mức âm của quý 1 năm 2020 là âm 2,0%, âm 5,4% và âm 5,2%. Để đạt được mức tăng trưởng dự báo 4,1% năm 2021, châu Âu sẽ phải làm tốt việc kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiến trình triển khai vaccine và đưa ra các chính sách hiệu quả. Song sẽ là rất khó trong bối cảnh hiện tại.
Trong thị trường lao động, tại Mỹ, một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp phàn nàn về việc tăng cường bảo hiểm thất nghiệp trong 2 dự luật kích thích kinh tế gần đây. Điều này đã khiến hàng triệu người dân nhận được nhiều tiền từ Chính phủ hơn so với số tiền họ có thể kiếm được khi đi làm trở lại. Vì vậy, nhiều người đã chọn không làm việc trong khi họ nhận được các khoản trợ cấp của Chính phủ sẽ hết hạn vào tháng 9.
Thống kê của Bloomberg cho thấy, chỉ có 266 nghìn việc làm mới trong tháng 4, sau khi tăng 770 nghìn việc làm trong tháng 3 (đã được điều chỉnh giảm so với ước tính ban đầu là 916 nghìn). Đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 1. Kết quả là, vào tháng 4, vẫn còn khoảng 8 triệu việc làm dưới mức trước đại dịch, nhưng cao hơn khoảng 14 triệu việc làm so với mức đáy tháng 4/2020.
Cũng như sự hồi phục của các nền kinh tế toàn cầu, các lĩnh vực sản xuất quan trọng dường như cũng bùng nổ. Chỉ số PMI toàn cầu đã tăng từ 55 điểm vào tháng 3 lên 55,8 điểm vào tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2010. Hoạt động tăng trưởng nhanh nhất được báo cáo ở châu Âu và Mỹ, nơi chỉ số PMI sản xuất đều trên 60 điểm, một con số cao bất thường. Sức mạnh này một phần là nhờ vào việc nới lỏng các hạn chế kinh tế khi mối đe dọa của virus giảm bớt, cùng với sự kích thích của Chính phủ.
Theo quốc gia, các chỉ số PMI đáng chú ý: PMI của Mỹ (60,5 điểm), Khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone (62,9 điểm) và Đài Loan (62,4 điểm) đều trên mức 60 điểm. Chỉ số PMI của Mỹ và Đài Loan ở mức cao nhất trong 11 năm và ở mức cao kỷ lục đối với Eurozone. Chỉ số PMI của Nhật Bản (53,6 điểm) ở mức cao nhất trong 3 năm. Tuy nhiên, chỉ số PMI của Trung Quốc (51,9 điểm) cho thấy khu vực sản xuất đang tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn.
Theo số liệu của World Bank, từ đầu năm đến hết tháng 4/2021, giá năng lượng (dầu thô và than đá) toàn cầu tăng 30% so với đầu năm, giá hàng hóa khác (phi năng lượng) tăng 16%, trong đó giá lương thực tăng 16%, giá phân bón tăng 24% và giá kim loại, khoáng chất tăng 25%. Tại Mỹ, lạm phát trong tháng 4 tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 12 năm. Chỉ số CPI tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến trước đó chỉ đạt 3,6%. Mức tăng hàng tháng đạt 0,8%, so với mức 0,2% dự kiến.
Đối với các chính sách tài chính có ảnh hưởng tới thế giới, sau cuộc họp cuối tháng 4, Fed tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến khi sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới phát đi những tín hiệu chắc chắn. Nhiều chuyên gia đánh giá triển vọng kinh tế Mỹ đang diễn biến khá tốt, miễn Fed giữ vững các "bàn đạp" của mình hiện nay.
Tại sự kiện của Wall Street Journal đầu tháng 5, Janet Yellen cho rằng lạm phát sẽ không phải một vấn đề đối với nền kinh tế Mỹ, bất kỳ sự tăng giá nào sẽ chỉ là tạm thời do thiếu hụt chuỗi cung ứng và sự phục hồi của giá dầu lên mức trước đại dịch Fed duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 0,25%, quanh mức gần bằng 0 kể từ đầu đại dịch Covid-19. FOMC công bố tiếp tục mua vào ít nhất 120 tỷ USD tài sản liên quan trái phiếu mỗi tháng. Động thái này đã đẩy bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương nước Mỹ lên ngưỡng gần 8.000 tỷ USD, tương đương gấp đôi mức được ghi nhận khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh