KoCham kiến nghị Việt Nam miễn thuế nguyên liệu được gia công bên ngoài
DNVN - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 diễn ra mới đây, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đã nêu những vướng mắc liên quan đến việc không được miễn thuế đối với các nguyên liệu được gia công bên ngoài (outsourcing) của các sản phẩm xuất khẩu.
Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Canh Tý 2020 / Chống hàng nhái, hàng giả: Giải pháp nào để ngăn chặn hiệu quả?
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 với chủ đề Vai trò đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững
Theo đại diện KoCham, hiệp hội này đã gửi công văn kiến nghị về “những vướng mắc về vấn đề không được miễn thuế đối với các nguyên liệu thô được gia công bên ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu” cho các cơ quan chức năng của Việt Nam như Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam vào ngày 26 tháng 9 năm 2019.
Tuy nhiên, ngày 29/10/2019, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trường hợp gia công ngoài (outsourcing) để sản xuất hàng xuất khẩu không đáp ứng đủ điều kiện để được miễn thuế căn cứ theo các quy định tại Khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 134/2016/ND-CP.
Theo đó, thông qua đơn kiến nghị ngày 2/12/2019 gửi tới các bên liên quan – bao gồm cả Thủ tướng Chính phủ, Kocham đã đề xuất bốn ý kiến đến các cơ quan chức năng của Việt Nam về việc giải thích quy định theo thẩm quyền của Bộ Tài chính Việt Nam và những vướng mắc của các doanh nghiệp về vấn đề không được miễn thuế đối với các nguyên liệu được gia công bên ngoài (outsourcing) để sản xuất hàng xuất khẩu.
Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có KoCham, đưa ra đề xuất tại VBF cuối kỳ 2019.
Thứ nhất, xét trên khía cạnh thực tế của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu. Trong thực tiễn sản xuất nói chung, chỉ có một vài doanh nghiệp tự sản xuất 100% hàng xuất khẩu của họ, việc thuê ngoài một số công đoạn của họ cho các doanh nghiệp con hoặc doanh nghiệp khác để tăng hiệu quả sản xuất là điều đương nhiên.
Thứ hai, đó là khía cạnh chủ thể sản xuất - xuất khẩu. Nhìn từ quan điểm của doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm xuất khẩu hoặc các doanh nghiệp được thuê gia công một số công đoạn sản xuất chính là chủ thể của việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu.
Do đó, mỗi quy trình gia công là một phần công việc cần thiết góp phần vào quy trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, hoàn toàn công bằng khi nghĩ rằng họ sẽ được miễn thuế nếu chắc chắn rằng nguyên liệu nhập khẩu đã được sử dụng để gia công sản phẩm xuất khẩu cuối cùng.
Thứ ba, về những lo ngại về vấn đề đánh thuế hồi tố. Điều chúng tôi lo lắng là nếu cứ duy trì cách giải thích như hiện tại về việc chỉ công nhận miễn thuế cho những phần tự sản xuất thì chắc chắn sẽ dẫn đến việc đánh thuế hồi tố.
Thứ tư, về tính công bằng với doanh nghiệp gia công xuất khẩu. Theo quy định tại Nghị định này, các doanh nghiệp chế xuất được công nhận miễn thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu thô để gia công xuất khẩu ngay cả khi họ là gia công ngoài (outsourcing). Tuy nhiên, sẽ không hợp lý nếu không được miễn thuế đối với phần gia công bên ngoài của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu có đóng góp nhiều hơn và sản xuất giá trị gia tăng nhiều hơn cho sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam.
"Chúng tôi cho rằng thay vì phân định đúng hay sai trong vấn đề giải thích các quy định pháp luật, chính sách thuế nên tập trung để thúc đẩy và phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp phụ trợ, cội rễ công nghiệp của đất nước, nhằm thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao thu nhập của người dân, điều quan trọng nhất để tăng trưởng kinh tế và phát triển quốc gia. Thay mặt toàn bộ doanh nghiệp FDI, bao gồm các doanh nghiệp Hàn Quốc, chúng tôi mong rằng chính phủ Việt Nam cân nhắc những khó khăn của các doanh nghiệp này, không đánh thuế hồi tố do việc giải thích quy định không rõ ràng và sửa đổi các quy định liên quan một cách hợp lý để đảm bảo phù hợp với thực tế", đại diện KoCham kiến nghị.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (“VBF”) là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. VBF cuối kỳ năm 2019 diễn ra hôm 10/01/2020 tại Hà Nội có chủ đề "Vai trò đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững" đã ghi nhận nhiều ý kiến từ các hiệp hội doanh nghiệp và thương mại nước ngoài tại Việt Nam. |
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo