Lai Châu: Nuôi chim bồ câu cho thu nhập cao
Áp lực bủa vây ngành hàng F&B / Xuất khẩu đồ gỗ vẫn tăng trưởng
Có dịp đến tham quan mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình ông Nguyễn Cao Sơn, chúng tôi ấn tượng với hệ thống chuồng nuôi được thiết kế thông thoáng, sạch sẽ, với hàng trăm con bồ câu trông thật thích mắt. Qua câu chuyện với ông, chúng tôi được biết, đầu năm 2015, gia đình ông đầu tư mua 10 đôi chim giống bồ câu ta về nuôi. Để tiết kiệm diện tích, chuồng nuôi chim được đặt trên sân thượng của gia đình với diện tích 100m2. Chuồng được thiết kế kín nhưng vẫn đảm bảo đủ ánh sáng, thoáng vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Ông sử dụng các rổ nhựa để làm ổ cho chim, được đặt san sát,buộc cố định để chim có thể sinh sản và thuận tiện trong việc ấp trứng.
Ông Sơn chăm sóc chim bồ câu.
Ban đầu khi mới nuôi chim bồ câu vì chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ đẻ trứng, tỷ lệ nở thấp (đạt 70 - 80%). Ông tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi kiến thức chăm sóc chim, học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi có kinh nghiệm. Bồ câu nuôi nhốt rất cần chất khoáng, đặc biệt là muối ăn, do đó ông bổ sung muối, đá sỏi nhỏ vào các máng ăn riêng cho chim ăn tự do. Nhờ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, tỷ lệ đẻ trứng, tỷ lệ nở tăng lên từ 90 - 95%. Chim bồ câu được chăm sóc tốt sau 4 - 5 tháng sẽ bắt đầu sinh sản lứa đầu, chim thường đẻ 8 lứa/năm, mỗi lứa 2 trứng. Thời gian ấp trứng từ 18 - 20 ngày, trung bình từ 42 - 45 ngày có thể xuất chuồng, mỗi lứa trung bình ông xuất từ 70 - 80 đôi. “Vốn đầu tư cho mô hình thấp, chim bồ câu ít bị dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên ai cũng có thể nuôi được. Tuy nhiên, chim bồ câu rất sạch sẽ nên phải vệ sinh chuồng nuôi thường xuyên, khoảng 2 - 3 tháng tiến hành phun thuốc để diệt côn trùng, cho chim uống thuốc phòng bệnh định kỳ 3 tháng/lần. Sau 5 năm phát triển mô hình nuôi chim bồ câu, gia đình tôi đã có thị trường ổn định, hàng tháng các tiểu thương tới tận nhà thu mua” - ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, bồ câu ta rất dễ nuôi, sinh sản nhanh, đều, ít bị dịch bệnh, thịt chắc, thơm ngon. Nhiều gia đình nuôi chim bồ câu lựa chọn thóc làm thức ăn chính cho chim, nhưng ông lại không lựa chọn loại thức ăn này vì thóc có cạnh nhọn, sắc, khi chim mẹ mớm thức ăn cho chim non dễ bị thủng diều. Mỗi ngày ông cho chim ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều tối, thức ăn chủ yếu là ngô trộn với cám, ngoài ra ông còn cho chim bồ câu ăn muối và những viên đá sỏi nhỏ để chim có thể tự nghiền thức ăn, tăng sức đề kháng. Bên cạnh việc cung cấp đủ thức ăn thì nước uống cho chim là yếu tố quan trọng, nước được ông thay hàng ngày để chim uống ngay sau khi ăn. Cùng với đó, ông đặt sẵn một chậu nước để chim có thể tự tắm giúp lông sạch, mượt. Trong quá trình nuôi, ông Sơn tìm hiểu kỹ quá trình sinh trưởng, phát triển, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho chim hợp lý nên chim bồ câu ngày càng khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở nhanh.Ông Sơn phấn khởi chia sẻ: “Ban đầu, tôi nuôi chim bồ câu chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi chim bồ câu mang lại, tôi phát triển nuôi chim với số lượng lớn. Hiện tôi duy trì nuôi từ 160 - 170 đôi, mỗi tháng xuấtra thị trường trung bình từ 70 - 80 đôi với giá 120.000 đồng/đôi. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng”.
Nhận thấy mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình ông Sơn mang lại nguồn thu cao, dễ áp dụng, một số người dân trong phường học hỏi kinh nghiệm và nuôi thử nghiệm. Chị Nguyễn Thị Ngân - Chủ tịch Hội Nông dân phường Quyết Tiến cho biết: “Từ hiệu quả mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình ông Nguyễn Cao Sơn, chúng tôi sẽ nhân rộng trên địa bàn. Hội Nông dân phường đã tiến hành hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, định hướng thị trường cho người dân để phát triển mô hình này bền vững, giúp cho nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo