Thị trường

Làm giàu ở nông thôn: Trang trại bơ Mỹ bạc tỷ trên đất đồi Tàu

Ðể xây dựng trang trại trồng các loại giống bơ Mỹ trên khu Ðồi Tàu thuộc xã Hòa Trung, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), ông Nguyễn Ðức Thống đã bỏ kinh phí và công sức khá lớn để xuất ngoại trực tiếp qua vùng chuyên canh trồng bơ Mỹ ở bang California (Hoa Kỳ)...

Gia tăng các hình thức tín dụng đen với lãi suất “khủng” / Bỏ hoang chợ tiền tỷ, tiểu thương "ôm" vỉa hè kiếm sống

Kết quả trang trại bơ Mỹ trên khu Đồi Tàu của ông Nguyễn Đức Thống cũng vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng công nhận gần 180 cây đầu dòng. Trong đó, gồm các loại giống Hass (99 cây), Pinkerton (27 cây), Zutano (27 cây) và reed (17 cây).

Từ cuộc “phối ngẫu” bơ Mỹ - Việt

Trong dịp diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 7 vào cuối năm 2017, phóng viên đã ghi nhiều tấm hình trong Hội chợ thương mại Lâm Đồng về gian hàng trưng bày các loại giống bơ Mỹ mang thương hiệu Tiến Đạt đến từ xã Hòa Trung, huyện Di Linh. Những trái bơ căng đầy thớ thịt, bóc lớp vỏ xanh đậm đã “lôi kéo” hết lượt khách này đến lượt khách khác ghé lại tham quan, khám phá và mua cây giống, ghi nhớ ngày vào trang trại “thọ giáo” quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.

Với phóng viên qua nhiều lần liên lạc đã nhận được cuộc hẹn từ chủ trang trại bơ Mỹ khi bắt đầu vụ thu hoạch vào giữa tháng 8/2018. Bấy giờ mùa mưa cao nguyên Di Linh dài ngày khiến đất nâu đen bết dính, từ Ngã ba Đinh Trang Hòa giáp Quốc lộ 20 rẽ vào ôm mấy vòng sườn đồi mới lên tới đỉnh Đồi Tàu dốc cao thẳng đứng.

Đường còn gập ghềnh nhưng nối theo phía sau xe phóng viên là một chiếc ô tô bán tải vẫn từ từ lăn bánh đến nơi. “Có phải trang trại bơ Mỹ của thương hiệu Tiến Đạt?”. Một người trong đoàn 5 người bước ra từ chiếc ô tô bán tải hỏi và cho biết họ đến từ vùng cây công nghiệp dài ngày tỉnh Đắk Nông. Khi biết có phóng viên đến, họ theo chân tham quan cận cảnh từng cây bơ Mỹ đang đeo từng chùm trái nặng trĩu trên cành.

lam giau o nong thon: trang trai bo my bac ty tren dat doi tau hinh anh 1

Ông Nguyễn Đức Thống trong Trang trại bơ Mỹ mang thương hiệu Tiến Đạt tại khu Đồi Tàu, xã Hòa Trung, Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: V.V

“Tính ra khu vườn bơ Mỹ của Trang trại Tiến Đạt chúng tôi có được ngày hôm nay là thành quả của một quá trình hơn mười năm hình thành ý tưởng, đầu tư kiến thiết và hoàn chỉnh quy trình sản xuất giống cây ghép, quy trình canh tác đạt năng suất và chất lượng cao trên đất Di Linh, Lâm Đồng…”, chủ trang trại Nguyễn Đức Thống - năm nay 72 tuổi - chia sẻ.

Theo lời ông Thống, từ các năm 2006, 2007, 2008, thương hiệu điện tử Tiến Đạt của mình phải sắp xếp, bố trí lại dây chuyền sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường Việt Nam, dẫn đến ông chuyển hướng một phần việc sang mở trang trại nông nghiệp và đi tìm chọn các diện tích đất ở vùng Tây Nguyên.

Lặn lội khắp nơi và tốn rất nhiều thời gian, kết quả ông Thống đã “gặp duyên” chuyển nhượng 5ha đang trồng thuần các giống bơ địa phương Lâm Đồng trên khu Đồi Tàu, huyện Di Linh. Ý tưởng ghép chồi giống bơ Mỹ với gốc cây giống bơ địa phương của ông Thống từ đây hình thành.

Bởi trước đó, ông Thống qua lại nhiều lần vùng California của Mỹ và đã cuốn theo “lực hấp dẫn” trước một trang trại bơ giống bản quyền của thế giới hàng chục hecta. Vì vậy, ngay sau khi chuyển nhượng 5ha vườn bơ địa phương ở khu Đồi Tàu, Di Linh, ông Thống liền lên lịch hẹn trở lại trang trại bơ Mỹ ở California để hoàn thành các thủ tục chứng từ xuất nhập khẩu mầm chồi thuộc 7 giống bơ Mỹ đang có giá trị cao trên thị trường quốc tế.

1

Ðến doanh thu 5 tỷ đồng/ha/năm

 

Mùa mưa năm 2013, chủ trang trại Nguyễn Đức Thống chính thức nhập về 2.000 mầm chồi bơ Mỹ, thuê các kỹ thuật viên ghép hàng đầu ở vùng Bảo Lộc, Di Linh về “phối ngẫu” với gốc bơ địa phương Lâm Đồng. Trong đó chia ra 1.000 mầm chồi ghép với gốc cây bơ thực sinh do một trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng bán ra; 1.000 mầm chồi còn lại ghép với khoảng 200 cây gốc bơ địa phương đang sinh trưởng tại trang trại.

Kết quả sau 3 tháng theo dõi và chăm sóc, tỷ lệ mầm ghép bơ Mỹ mới đạt sinh trưởng khá tốt trên 80% cây gốc bơ thực sinh; trong khi tỷ lệ này mới chỉ đạt hơn 30% ghép với gốc cây bơ địa phương tại trang trại.

Đồng thời, ông Thống cũng đã tìm ra kỹ thuật ghép mầm chồi bơ Mỹ nhiều khác biệt so với ghép mầm chồi các loại bơ đặc trưng khác của cả vùng Tây Nguyên. Với đánh giá như vậy, những năm sau đó, chủ trang trại Nguyễn Đức Thống liên tục bay khứ hồi Mỹ - Việt Nam chọn mua về hàng trăm mầm chồi bơ Mỹ về ghép thay thế, bổ sung trên các cành chính của cây gốc ghép bị “lỗi” không phát triển được.

Cứ thế ghép và chăm chút hàng ngày, đến hơn 1 năm sau, cuộc “phối ngẫu” giữa gốc bơ địa phương Lâm Đồng với mầm chồi bơ Mỹ lần lượt đơm hoa kết trái. Năm đầu tiên thu bói khoảng 10 - 20 kg/cây; năm thứ 2 tăng lên 30 - 50 kg/cây; năm thứ 3, thứ 4 trở đi đạt năng suất trên dưới 100 kg/cây.

Nếu tính với giá bơ Mỹ vào tháng 8/2018 trung bình 100.000 đồng/kg thì mỗi ha với 500 cây bơ trồng thuần năm thứ 4, năng suất 100 kg/cây, thành tổng doanh thu lên đến 5 tỷ đồng. Trong khi chi phí đầu tư và công lao động mỗi năm trên mỗi hachỉ hơn 100 triệu đồng. Đây thực sự là một trong những mô hình làm giàu ở nông thôn.

 

Đến nay, Trang trại bơ Tiến Đạt ở xã Hòa Trung, Di Linh được Sở NN&PTNT Lâm Đồng công nhận vườn giống đầu dòng với gần 180 cây bơ Mỹ, công suất khai thác mỗi năm khoảng 100.000 mầm chồi phân phối ưu tiên những người đặt hàng trước chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Hy vọng từ nay đến cuối năm 2018, những nông gia đi trong chiếc xe ô tô bán tải đến từ Đắk Nông với phóng viên nói trên sẽ có cơ hội mua được số lượng nhiều cây giống ghép hoặc mầm chồi bơ Mỹ đầu dòng của Trang trại Tiến Đạt về tái canh hiệu quả trên trang trại bơ giống cũ của mình.

Theo Báo Lâm Đồng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm