Lần đầu tiên Việt Nam ký FTA với quốc gia Ả Rập
Kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng mạnh / Các địa phương đẩy mạnh thu hút vốn FDI
Ngày 28/10, tại Dubai, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cùng Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã chứng kiến lễ trao văn kiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA). Đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên Việt Nam ký với một quốc gia Ả Rập.
Hiệp định CEPA được ký kết sau thời gian đàm phán kỷ lục, chỉ kéo dài một năm với 5 phiên làm việc chính thức, trong đó có 3 phiên cấp Bộ trưởng. Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi đã ký văn kiện này dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao hai nước, khẳng định cam kết nâng cấp hợp tác thương mại – đầu tư lên tầm cao mới.
CEPA bao gồm 18 chương, 15 phụ lục và 2 thư song phương. Hiệp định đề cập đến nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật (TBT), vệ sinh kiểm dịch (SPS), hải quan, sở hữu trí tuệ và mua sắm của Chính phủ.
Đáng chú ý, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế cho 98,5% kim ngạch của UAE. Ngoài ra, hiệp định còn bao gồm các quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và phát triển xanh.
UAE hiện là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông, đồng thời đóng vai trò cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận thị trường Tây Á và châu Phi. Với sự bổ trợ lẫn nhau trong cơ cấu kinh tế và thương mại, CEPA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như điện thoại di động, máy vi tính, điện tử, thủy sản, giày dép, dệt may và nội thất sang UAE. Đồng thời, hiệp định cũng tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại, nguồn vốn và các dịch vụ chất lượng cao từ UAE, góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa và dịch vụ của UAE như chất dẻo, LPG, sản phẩm dầu mỏ và hóa chất sẽ có cơ hội tiếp cận sâu hơn vào thị trường Việt Nam và cả khu vực ASEAN nhờ vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực.
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và UAE có sự phát triển ấn tượng. Từ năm 2018 đến 2023, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt khoảng 5 tỷ USD/năm, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu với giá trị lớn, từ 3 đến 4 tỷ USD mỗi năm. Riêng năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm trước đó. Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước đạt trên 4,47 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy tiềm năng hợp tác rất lớn và bền vững giữa Việt Nam và UAE.
CEPA không chỉ tạo cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu mà còn thúc đẩy Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường rộng lớn tại Trung Đông, Tây Á và châu Phi. Đây cũng là động lực để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao vị thế hàng Việt trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Theo Bộ Công Thương, CEPA đánh dấu bước tiến lớn, song cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi phải cạnh tranh với những tiêu chuẩn và yêu cầu khắt khe từ thị trường UAE. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng, đẩy mạnh đổi mới công nghệ và tuân thủ các cam kết quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao