Các địa phương đẩy mạnh thu hút vốn FDI
Gia tăng áp lực khi có bảng giá đất mới / Kinh tế tuần hoàn đã trở thành lợi thế cạnh tranh mới
Ảnh minh họa.
25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam 9 tháng năm nay, đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Bước vào quý 4 là giai đoạn đầy thách thức, khi cần thu hút thêm khoảng 15 tỷ USD nữa, để đạt được mục tiêu thu hút FDI cả năm là 40 tỷ USD. Hiện các địa phương đang tập trung vào những giải pháp mang tính "bứt tốc", trong đó ưu tiên những dòng vốn xanh, hướng tới tăng trưởng bền vững.
Một trong số nhà máy vừa được đầu tư thêm, đảm bảo xanh hóa cả quy trình sản xuất và công nghệ. Xanh hóa cũng là yêu cầu bắt buộc khi vào khu công nghiệp này.
Ông Nishino Hiroshi - Giám đốc nhà máy Daikin Việt Nam, chi nhánh Hưng Yên cho biết: "Toàn bộ hệ thống điện mặt trời đang đáp ứng khoảng 40% lượng điện tiêu thụ của toàn bộ nhà máy. Chúng tôi đang hợp tác với khu công nghiệp mở rộng sản xuất điện mặt trời, và cũng mong muốn có thêm cơ chế cho phép sử dụng năng lượng xanh".
Mỗi tỉnh, thành phố đều đang chọn hướng đi riêng nhằm khai thác lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư nước ngoài. Với Bắc Ninh, địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong nhiều tháng liên tiếp, giải pháp thu hút dòng vốn chất lượng cao, xanh hóa được chú trọng. Còn Hải Phòng thì kiến tạo những lợi thế cạnh tranh mới từ cải cách thể chế, chuẩn bị quỹ đất sạch đón doanh nghiệp hàng đầu.
Ông Nguyễn Đức Cao - Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết: "Chúng tôi sẽ sàng lọc ngay từ bước đầu để chọn lọc nhà đầu tư lớn mang tính dẫn dắt, nhà đầu tư điện, điện tử và bán dẫn, công nghệ cao, dược".
"Thành phố đã trình Chính phủ thành lập một khu kinh tế ven biển phía Nam TP Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha, mở rộng không gian phát triển với TP Hải Phòng", ông Bùi Ngọc Hải - Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho hay.
Có nhiều yếu tố tác động đến thu hút đầu tư như: Cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; chất lượng dịch vụ công. Trong đó, chính sách đầu tư và nguồn nhân lực có tác động lớn nhất.
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết: "Chất lượng của dòng đầu tư nước ngoài đó là việc đầu tư và mang lại giá trị thông qua chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực. Các địa phương cần hình thành các kết nối với doanh nghiệp trong khâu đào tạo nguồn nhân lực, hoặc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất".
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã hình thành một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực. Với nỗ lực hoàn thiện thể chế, bồi dưỡng nguồn nhân lực, các địa phương sẽ có thêm cơ hội đón làn sóng đầu tư dồi dào, hiện thực hóa khát vọng vươn lên, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao của châu Á.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Công Thương lý giải quy định gỡ bỏ “tầng nấc trung gian” trong kinh doanh xăng dầu
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp