Làng nghề hoa giấy Mật Sơn rộn ràng phục vụ Tết Trung thu
(DNVN) - Cứ vào dịp Tết Trung Thu (tháng 8 âm lịch hàng năm), làng nghề hoa giấy Mật Sơn (phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa) lại tất bật sản xuất các loại lồng đèn, đưa Tết Trung Thu đến với các cháu thiếu niên, nhi đồng ở mọi miền đất nước.
Nuôi côn trùng đặc sản, nông dân Nghệ An lãi cao / Bình Dương: Động thổ hai dự án nhà ở thương mại mang dáng dấp đô thị kiểu mới, hiện đại, thân thiện với môi trường
Làng nghề hoa giấy Mật Sơn chuyên làm nghề sản xuất hoa giấy, hàng mã, lồng đèn có từ lâu đời, được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là làng nghề truyền thống. Người dân ở đây chủ yếu sản xuất các loại hoa giấy, hàng mã. Tuy nhiên, đến tháng 8 âm lịch hàng năm, cả làng nghề chuyển sang làm lồng đèn để phục vụ Tết Trung Thu.
Còn gần nửa tháng nữa mới đến Tết Trung Thu nhưng con đường vào làng nghề hoa giấy Mật Sơn đã tấp nập người ra vào nhộn nhịp, cả làng nghề như được khoác trên mình chiếc áo mới, bởi trước cửa các gia đình sản phẩm đèn lồng được sản xuất thủ công với nhiều mẫu mã, kích cỡ lớn, nhỏ như: Đèn ông sao, đèn hình con bướm, hình con gà, hình con cá, đèn hình rồng, hình phượng, đèn kéo quân ... được người dân sản xuất xếp ngay ngắn để bàn giao cho khách hàng trong và ngoài tỉnh vận chuyển kịp phục vụ Tết Trung Thu năm 2018.
Người thợ đang làm lồng đèn cỡ lớn
Trong những ngày này, cả làng nghề hoa giấy Mật Sơn 2 (phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa) trở nên hối hả hơn bởi không khí lao động cả ngày lẫn đêm. Nhà nào cũng bày la liệt các sản phẩm thủ công từ trong ra ngoài, các hộ kinh doanh đều tăng thêm nhân lực so với ngày thường. Những người thợ thủ công hăng say, cần mẫn với những công đoạn đang thực hiện. Làng nghề đang chạy nước rút hoàn thiện những sản phẩm cho các đơn đặt hàng.
Toàn phường Đông Vệ hiện có hơn 100 hộ dân thuộc các phố Mật Sơn 1,2,3 gắn bó với nghề truyền thống. Nghề làm hoa giấy, hàng mã và các loại lồng đèn đòi hỏi người thợ ngoài sự khéo léo còn phải có con mắt thẩm mỹ. Người làm nghề phải không ngừng đổi mới mẫu mã cạnh tranh với các cơ sở khác trên thị trường. Đây là nghề tạo việc làm quanh năm cho người dân nơi đây.
Bà Châu Thị Thanh, chủ cơ sở sản xuất Minh Thanh phố Mật Sơn 2 cho biết: “Cứ đến khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch hàng năm là cả làng nghề bắt tay vào sản xuất các lồng đèn phục vụ Tết Trung Thu cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, ngoài tận dụng nhân lực tại chỗ như bà con, làng xóm, nhiều hộ còn thuê cả sinh viên làm thời vụ”. Ông Nguyễn Văn Tuấn, thợ thủ công làng nghề còn cho biết thêm: “Chỉ người trong nghề mới biết được sự vất vả như thế nào. Nghề này đòi hỏi độ tỉ mỉ, người làm nghề phải thật chăm chút, khéo tay và kỹ lưỡng. Hơn hết cũng đòi hỏi tiến độ công việc, phải làm sao vừa nhanh lại vẫn đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, dịp Tết Trung Thu số lượng đơn đặt hàng lúc nào cũng gấp nhiều lần ngày thường. Vì thế, nhiều ngày nay cả làng nghề Hoa giấy Mật Sơn gần như làm việc hết công suất để hoàn thành các đơn hàng cuối cùng”.
Vợ chồng Bà Thanh bên đèn Ông Sao cỡ lớn.
Nghề làm lồng đèn cũng rất kỳ công, ngoài việc phải lựa chọn kỹ càng về nguyên liệu là cây nứa bánh tẻ có độ dẻo dai, bền chắc để làm những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân được trang trí bắt mắt, hấp dẫn thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, đèn kéo quân còn được trang trí những hình ảnh thân thiện như: Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, biển đảo Việt Nam, quê hương đất nước, hình 12 con giáp... đó không chỉ là cách thể hiện nền văn hóa Việt Nam trên từng chiếc đèn mà còn góp phần giáo dục các em về lịch sử dân tộc trên những chiếc đèn thủ công, giàu bản sắc văn hóa dân tộc...
Đồng chí Lê Quang Hiển, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND phường Đông Vệ cho biết: “Nhờ sản xuất nghề hoa giấy, hàng mã, lồng đèn truyền thống mà nhiều gia đình trong làng nghề Mật Sơn đã vươn lên thoát nghèo, có những gia đình nhiều thế hệ, đời này qua đời khác bám trụ cuộc sống với nghề sản xuất thủ công này, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thay đổi đời sống người dân”. Theo nhiều người dân làng nghề Mật Sơn cho biết, mỗi vụ sản xuất vào các dịp lễ, Tết mỗi hộ gia đình thu về từ 60 – 70 triệu đồng/vụ đã giúp các hộ thoát nghèo, có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, lâu dài.
Những thợ thủ công đang gấp rút sản xuất đèn lồng
Về làng nghề Mật Sơn (phường Đông Vệ TP. Thanh Hóa) dịp cận Tết Trung Thu mới thấy được sự hối hả của một làng nghề. Nhiều thương lái khắp cả nước cũng về đây để đặt hàng và chở đi hàng vạn sản phẩm lồng đèn các loại ... tỏa đi khắp nơi phục vụ Tết Trung Thu.
Mặc dù phải cạnh tranh khốc liệt trong nền kinh tế thị trường, nhưng những sản phẩm truyền thống của làng nghề Hoa giấy Mật Sơn vẫn khẳng định sức sống của làng nghề không chỉ bởi bàn tay, khối óc mà còn bằng cả tình yêu, niềm đam mê và tâm huyết của những người con quê hương biết bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của cha ông để lại, tiếp tục phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Đinh Quanh Sinh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo