Lo ngành thủy sản phải chịu nhiều chi phí
CPTPP: Kịp thời ban hành mẫu C/O mới nhằm gỡ vướng cho DN xuất khẩu / Khánh Hòa: Nuôi gà trại lạnh cho hiệu quả kép về kinh tế và môi trường
CTCP Hùng Vương (HVG) là một “ông lớn” trong ngành thuỷ sản Việt đang vướng vào chuyện thua lỗ, mà ở đó có phần nguyên nhân từ việc nặng gánh chi phí. Như chia sẻ của ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch công ty này, đó là việc phải gánh chi phí lãi vay rất lớn mỗi ngày.
Chi phí cũ, mới đè nặng
Đơn cử như trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I của niên độ 1/10/2019 – 30/9/2020, HVG lỗ tiếp 254 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.743 tỷ đồng do doanh thu giảm mạnh nhưng nhiều chi phí tăng. Chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) tăng 43% lên 70 tỷ đồng. Rồi chi phí quản lý tăng 57% lên 95 tỷ đồng, riêng trích lập dự phòng phải thu khó đòi là 77 tỷ đồng.
Áp lực chi phí đè nặng cũng là vấn đề mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) muốn nhắc đến trong một báo cáo mới đây về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu (XK) thủy sản.
Theo đó, các doanh nghiệp (DN) thuỷ sản đang bị “gánh” nhiều loại chi phí: Phí chuyển tiền trong và ngoài nước, phí xử lý bộ chứng từ, phí báo Có tiền về, phí điều vốn, phí L/C, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí nhắn tin, phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí gởi hồ sơ, phí báo có... tại ngân hàng.
Các DN còn bị phát sinh nhiều khoản chi phí mới do tình hình vận chuyển hàng hóa. Đơn cử như chi phí thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, chi phí lưu công tại cảng… Hoặc như chi phí mua trang thiết bị y tế để phòng tránh dịch Covid-19 (khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn,...).
Hơn thế nữa, chi phí đầu vào với DN thuỷ sản cũng tăng đáng kể như điện, nước, nguyên vật liệu, tiền lương công nhân… Trong khi đó, như chia sẻ của Vasep, mặc dù tình hình DN ký kết được rất ít đơn hàng, hoạt động sản xuất gần như cầm chừng nhưng DN vẫn cố gắng giữ lại lực lượng lao động nhằm hỗ trợ cho người lao động ổn định đời sống.
Trên thực tế, việc nặng gánh chi phí không chỉ vì tác động tiêu cực của dịch Covid-19 mà đã là thực trạng từ khá lâu của các DN thuỷ sản.
Chẳng hạn như chi phí nguyên liệu với các DN ngành tôm. Giới chuyên gia cho biết chi phí thức ăn cho tôm cũng như chi phí tôm giống của nông dân Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Hiện nay, chi phí sản xuất 1kg tôm ở Việt Nam cao hơn khoảng 1USD so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta, về lâu dài rất khó để đoán định giá tôm thẻ sẽ biến động theo chiều hướng nào, bởi tất cả còn tùy thuộc vào hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và kết quả của vụ nuôi.
Giới phân tích nhận định nguồn nguyên liệu thuỷ sản trong nước hiện nay không ổn định do nguồn lợi suy giảm, thời tiết khắc nghiệt cũng là một nguyên nhân làm cho giá thành sản xuất cao. Đặc biệt, ngoài giá thức ăn cao thì con giống, hoá chất, kháng sinh đều phụ thuộc phần lớn vào các nguồn cung nước ngoài.
Có giảm được không ?
Nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng bị thiếu hụt. Với các DN hải sản khai thác, nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị thiếu khoảng 50%. Theo Vasep, trong thời gian tới, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất XK được phục hồi thì nguồn nguyên liệu hiện có cũng chỉ có thể đáp ứng được 50% - 70% nhu cầu sản xuất.
Ngoài ra, hiện các DN thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển các container hàng hóa xuất nhập khẩu vì nhiều chuyến tàu bị trì hoãn nhiều ngày, thậm chí bị hủy chuyến. Các hãng tàu biển cắt giảm các chuyến tàu, thay đổi hành trình và cảng đến làm cho thời gian vận chuyển dài. Điều này làm cho các DN bị phát sinh nhiều chi phí.
Mặt khác, các DN vẫn đang chịu áp lực chi phí đóng bảo hiểm xã hội khi mà số lượng lao động thời vụ khá lớn (dưới 3 tháng đến 40-50%).
Làm thế nào để giảm áp lực chi phí là “bài toán” thường trực luôn làm đau đầu các DN thuỷ sản, nhất là đang giữa mùa dịch Covid này khi mà tỷ lệ đơn hàng XK bị dừng, bị huỷ khá cao.
Riêng với “bài toán” chi phí nguyên liệu, để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất XK của các DN sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, Vasep kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT cần có kế hoạch và quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra.
Đồng thời, cần hỗ trợ cho người nuôi để khuyến khích người nuôi tiếp tục thả giống mới trong thời gian này. Nhất là sửa đổi và cải cách các quy định kiểm soát nhập khẩu hàng thủy sản cho mục đích sản xuất xuất khẩu và gia công XK.
Giới chuyên gia cho rằng khả năng kiểm soát chi phí sản xuất tốt nhờ tự chủ hoàn toàn về nguyên liệu và vùng nuôi mới chi phí thấp cho thu hoạch sản lượng lớn trong năm 2020 sẽ là các yếu tố giúp các DN thuỷ sản vượt khó trong giai đoạn này.
Về những khó khăn tài chính của các DN thuỷ sản, Vasep đề xuất các ngân hàng giảm các loại phí khi DN giao dịch với ngân hàng. Ngoài ra, DN ngành này mong Chính phủ xem xét đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động miễn nộp kinh phí Công đoàn (2% quỹ lương) trong năm 2020, và tạm dừng việc đóng bảo hiểm xã hội đến cuối năm 2020.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước