Marcom

Mở lối ra cho nông sản của hợp tác xã giữa căng thẳng COVID-19

Việc đẩy mạnh kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản của các hợp tác xã thông qua nhiều kênh phân phối từ xuất khẩu, siêu thị tới thương mại điện tử... sẽ tạo được đầu ra vững chắc. Bởi lâu nay, nhược điểm của ngành nông nghiệp là mù mờ về thông tin, dữ liệu, hai bên mua bán không gặp nhau từ kết nối tới chất lượng, giá cả.

Lùi thời gian thu thuế kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đến đầu năm 2022 / 35% thị phần bán lẻ từ kênh online: Giày Thượng Đình bất ngờ “hồi sinh” trên Sendo giữa mùa dịch

Là một trong số ít những tỉnh chưa phát hiện ca dương tính COVID-19 nào trong cộng đồng, Kon Tum vừa duy trì được các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông lâm sản, vừa chuyên chở được hàng cứu trợ về TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh thành phía Nam.

Nhà sản xuất 'bắt tay' nhà phân phối

Tại Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 31/8, ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kon Tum, chia sẻ địa phương này có lợi thế về sản xuất nông lâm thủy sản như sắn, cà phê, cao su, cây dược liệu, cây ăn quả... Đặc biệt, thời gian qua, địa phương cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP.

nong-san-phia-Nam-8046-1630402725.jpg

Các HTX có thể liên kết với nhau để cung cấp khối lượng sản phẩm nông sản lớn cho nhà phân phối.

Hiện Kon Tum có 88 sản phẩm OCOP 3 và 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao về cà phê. Tuy nhiên, do dịch bệnh, các sản phẩm OCOP tiêu thụ hạn chế, hoạt động của HTX bị ảnh hưởng, gián đoạn. Do đó, ông Liêm mong Bộ NN&PTNT tạo điều kiện để các sản phẩm của Kon Tum, nhất là cây dược liệu được đến mọi miền Tổ quốc.

Giữa tháng 7/2021, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT được thành lập với chức năng kết nối - tiêu thụ nông sản ở các địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội. TS. Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II cho biết, sau hơn một tháng hoạt động, Tổ đã đạt được một số kết quả.

Tính đến ngày 31/8, Tổ đã hình thành 1.344 đầu mối cung cấp mặt hàng nông lâm thủy sản, rau củ quả, trái cây, các sản phẩm chế biến, với khoảng 10 nhóm ngành. Đầu cung ứng cho Tổ công tác 970 rất đa dạng. Theo thống kê, 32,4% số lượng đầu mối cung ứng là HTX, trang trại, tổ hợp tác; 37% là hộ nông dân; 19% là doanh nghiệp; 9% là cơ sở chế biến, và khoảng 3% là cơ quan quản lý nhà nước. Trang web đặt hàng của Tổ công tác 970: https://htx.cooplink.com.vn/ có khoảng 2.800 lượt đăng ký, trong đó 70% đăng ký bán, còn lại là mua và 7% là cơ quan Nhà nước.

Một kết quả nữa của Tổ công tác 970 là gói combo 10kg nông sản. Trong 2 tuần đầu triển khai, hàng trăm nghìn gói được đặt. Lượng nông sản bà con đặt trung bình một ngày là 300-400 tấn. Cá biệt, riêng ngày 24/8, tổng số tiền hàng lên tới 3,6 tỷ đồng đặt hàng.

Trên cơ sở hoạt động thực tiễn, Tổ công tác 970 đề nghị với các nhà bán lẻ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu mạnh dạn liên kết với Tổ 970. Tổ cam kết, sẵn sàng cung cấp mọi thông tin người mua, người bán, cả về đơn vị vận chuyển, logistics, lẫn hỗ trợ thủ tục ký hợp đồng trực tiếp. Bên cạnh đó, Tổ đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thí điểm chương trình sản xuất nông nghiệp tốt cho người mua, dựa trên ghi chép nhật ký điện tử sản xuất. Từ đó, giao cho các siêu thị lớn, giúp bên mua có thể nắm rõ quy trình sản xuất, và lấy cơ sở để xây dựng mã số vùng trồng.

 

Từ góc nhìn của nhà phân phối, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho hay nhờ đẩy mạnh tham gia các chương trình kết nối, thời gian qua tỷ trọng các sản phẩm OCOP vào hệ thống Saigon Co.op đang được nâng dần từ 2,7% lên 5,6%, với đầu mối là các HTX thực hiện OCOP từ địa phương.

"Qua phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, Bộ NN&PTNT, chúng tôi đã tổ chức thu mua kết nối tiêu thụ nông sản ngay cả ở vùng, địa phương chưa có điểm bán của Saigon Co.op, tiêu thụ kịp thời đối với hàng hoá vụ mùa mang tính chất đặc sản", ông Đức nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, lãnh đạo Saigon Co.op cho biết đang thực hiện nhiều kênh bán hàng khác nhau, phù hợp với xu thế, tình hình dịch bệnh. Ngoài sàn điện tử, còn có gói mua chung, đi chợ hộ, việc phát triển nông sản tại các địa phương cũng nên theo xu hướng này.

Kiến nghị bổ sung HTX vào danh sách nhận hỗ trợ

Mặt khác, ông Đức cũng bày tỏ: “Saigon Co.op cũng là một đơn vị HTX, chính vì vậy rất mong muốn với các chính sách hỗ trợ cần đưa HTX vào đối tượng thụ hưởng, bởi tình hình chung hiện nay nhiều HTX đã phải ngưng hoạt động, không vượt qua được khó khăn trong đại dịch”, ông Đức nói.

 

Về vấn đề này, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết hiện nay Thành phố chỉ 32/114 HTX còn hoạt động sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh sản phẩm rau củ quả, thịt, thủy sản… Vì vậy, ông đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ bổ sung các HTX vào đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, thời điểm hiện nay việc thông tin kịp thời về cung cầu trong điều kiện giãn cách, dịch kéo dài rất quan trọng. Thế nên cần tăng cường nâng cấp hệ thống đăng ký mua sắm online. Đồng thời, cần đẩy mạnh triển khai việc kết hợp với các ứng dụng giao hàng trực tuyến. Thành lập các kho trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc điều phối các gói cung ứng.

Về phía đơn vị nhập khẩu, ông Hoàng Văn Duy, Tổng giám đốc Mekong Sea Food Group, cho hay công ty có 4 đơn vị thành viên ở Việt Nam và Singapore, chuyên phân phối nông lâm thủy hải sản đi 80 thị trường trên thế giới. Riêng về thủy hải sản, công ty đang có nhu cầu khoảng 1.500 tấn sản phẩm tươi, 3.000 tấn chế biến mỗi tháng. Những sản phẩm công ty có nhu cầu thu mua lớn là đùi ếch, cá rô phi, tôm và cá tra.

Từ quá trình tiêu thụ nông sản Việt, ông Duy cho biết những điểm hạn chế của nông sản Việt là nguyên liệu thô, chưa qua chế biến. Thời gian tới, DN muốn được kết nối thêm nhiều HTX có năng lực, nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định.

Ngoài ra, đại diện Mekong Sea Food Group cũng nhận thấy một khó khăn nữa là dù có nguồn nguyên liệu phong phú, nhưng các đơn vị sản xuất cũng cần liên kết với nhau để đáp ứng đơn hàng lớn cho DN, thay vì DN phải gọi điện cho từng HTX để đặt hàng.

 

"DN mong muốn được kết nối với HTX rộng hơn, sâu hơn để gia tăng đơn hàng XK. Chúng tôi không chỉ mua nguyên liệu, DN còn muốn đẩy mạnh sơ chế, chế biến, từ đó đưa sản phẩm phân phối sâu rộng ở thị trường nội địa thay vì chỉ tập trung xuất khẩu", ông Duy nói.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, vai trò kết nối thông tin, dữ liệu giữa người sản xuất và tiêu thụ trên thị trường là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đó lại là nhược điểm chung của ngành nông nghiệp, khi hầu hết chúng ta đều mù mờ về thông tin, dữ liệu, hai bên mua bán không gặp nhau từ kết nối, chất lượng, đến giá cả. Đây là lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, để cùng nhau vượt qua.

Thị trường chỉ đáp ứng được, khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng.

Do vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, kết nối tiêu thụ nông sản không đơn thuần là giúp DN tìm được nguồn hàng, mà còn giúp các cơ quan nhà nước thay đổi phương thức quản lý, lãnh đạo điều hành từ địa phương cho đến cả nước. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp sẽ có hỗ trợ sát ruộng vườn của bà con, sát với đời sống xã hội nông thôn.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm