Mức chi tiêu của người Việt cho thương mại điện tử tăng nhanh nhất khu vực
Doanh nghiệp Việt “thắng thế” trên thị trường thương mại điện tử / Fado Việt Nam hợp tác với Alibaba phát triển thương mại điện tử
Hai điểm hấp dẫn lớn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam so với các thị trường khác trong ASEAN được bà Samantha Oh, Phó chủ tịch Client Insights APAC chỉ ra tại Diễn đàn tiếp thị trực tuyến Việt Nam 2019 là tỷ lệ người dùng truy cập vào trang thương mại điện tử sau đó mua hàng rất cao và mức chi tiêu đang tăng rất nhanh.
"Việt Nam là quốc gia có mức chi tiêu của người dùng cho thương mại điện tử tăng nhanh nhất khu vực", bà Samantha Oh cho biết.
Với khoảng 40 triệu người mua sắm trực tuyến, dung lượng thị trường thương mại điện tử của Việt nam đang đứng thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển mạnh
Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kỹ thuật số (Bộ Công thương) cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam rất nhanh, khoảng 30% năm. Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ 45 – 60% người tiêu dùng chấp nhận mua hàng online. Người Việt chi trung bình 210 USD mỗi năm cho hoạt động mua sắm trực tuyến và ngày càng nhanh nhạy nắm bắt tiện ích của thương mại điện tử, tìm kiếm thông tin sản phẩm, so sánh giá cả.
“Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ phải tìm các phương thức tiếp thị mới để tiếp cận thị trường”, bà Việt Anh khuyến cáo.
Tuy nhiên, bà Samantha Oh cũng chỉ ra, Việt Nam còn rất nhiều yếu tố cần cải thiện để tăng quy mô của thị trường thương mại điện tử. Đặc biệt, hệ sinh thái còn chưa được đồng bộ, thanh toán điện tử chưa phổ biến và cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến trình này. Hệ thống logistics của Việt Nam cũng đang tốn chi phí lớn và chưa được đánh giá cao.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM.Ước tính, hai thành phố này chiếm tới 70% giao dịch thương mại điện tử.
Ngược lại, hoạt động kinh doanh trực tuyến tại các tỉnh, thành khác còn yếu và có nguy cơ tụt lại so với hai thành phố dẫn đầu, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong khi có khoảng 70% dân số lại đang sinh sống tại nông thôn.
Do đó, VECOM cho rằng, khu vực nông thôn có tiềm năng tiêu thụ lớn, đồng thời cũng là nơi cung cấp sản phẩm đa dạng phù hợp với bán hàng trực tuyến. Muốn thương mại điện tử phát triển nhanh và bền vững, nhất định phải thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, đặc biệt phải hỗ trợ khu vực nông thôn bán hàng trực tuyến.
Các chuyên gia cũng nhận định, cần cá nhân hoá trải nghiệm khách hàng khi mỗi thế hệ, lứa tuổi đều có tâm lý tiêu dùng cũng như cách tiếp cận khác nhau vì liên quan đến lối sống và hành vi, sở thích phản ánh trên hành vi tương tác của họ trên internet.
Như ôngTuấn Hà, CEO Vinalink nhận định, marketing trải nghiệm sẽ giúp khách hàng gia tăng niềm tin và có thể quay lại mua hàng lần hai. Bởi trước nay hoạt động mua bán online còn khá khiêm tốn do thiếu niềm tin, khách hàng thường phải sờ tận tay, phải dùng thử mới tin.
"Nếu làm thương mại điện tử mà bỏ qua trải nghiệm của người dùng thì thất bại. Cần đẩy mạnh marketing trải nghiệm để người dùng tin tưởng hơn, biết được doanh nghiệp nào thực sự uy tín", ông Hà khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương