Thị trường

Năm 2020 xuất khẩu lâm sản ước tính đạt 12,6 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới

Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp; giá trị xuất khẩu lâm sản nước ta tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới.

Xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD trong 11 tháng 2020 / Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 tăng 13.2% so với tháng 10

Sáng 1/12, tại tỉnh Nghệ An, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Năm 2020, xuất khẩu lâm sản ước tính đạt 12,6 tỷ USD (Ảnh: Int)

Năm 2020, xuất khẩu lâm sản ước tính đạt 12,6 tỷ USD (Ảnh: Int)

Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp; giá trị xuất khẩu lâm sản nước ta tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay.

Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam tiếp tục có mặt và giữ vững uy tín và mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là 5 thị trường lớn, thị trường truyền thống: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ theo hướng hiện đại. Năm 2019, cả nước có 5.539 doanh nghiệp, 340 làng nghề sản xuất kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản; trong đó có 4.873 doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ và lâm sản. Trong 10 tháng đầu năm 2020 đã thành lập mới 1.730 doanh nghiệp.

Nhận định về cơ hội của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới là rất lớn, khoảng 450 tỷ USD giá trị thương mại/năm; trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ nội thất bằng gỗ. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng trên 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần.

 

Bên cạnh, các thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc thì một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới như Canada, Nga, Ấn Độ, UEA… Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: viên nén, dăm gỗ, gỗ dán, gỗ ghép, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới. Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do đang là cơ hội cho ngành chế biến, gỗ, lâm sản xuất khẩu.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ NN&PTNT định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp.

Về giá trị kim ngạch xuất khẩu, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021 đạt 14-14,5 tỷ USD, tăng từ 10-11% so với năm 2020, và đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025. Chủ động nguồn nguyên liệu gỗ và vật liệu phụ trợ trong nước, bảo đảm 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp. Tăng dần tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm trung gian.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: Trong xu thế biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai nhất là bão lũ và sạt lở đất ở Tây Bắc và miền Trung vừa qua cho thấy vai trò quan trọng của rừng và phát triển bền vững lâm nghiệp, nhất là sự phát triển hiệu quả, bền vững của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Đảng và Nhà nước tiếp tục sẽ có những chính sách phù hợp để thúc đẩy, phát triển lĩnh vực này hiệu quả, bền vững; trong đó cần chú trọng phát triển vùng nguyên liệu hợp pháp, đủ lớn để xây dựng thành công ngành công nghiệp chế biến gỗ hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do sẽ mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản nước ta tham gia sâu rộng, có uy tín vào chuỗi giá trị của ngành gỗ và nội thất toàn cầu. Chính vì vậy, ngành này phải xây dựng đội ngũ đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước có quyết tâm, khát vọng đầu tư và phát triển lĩnh vực này.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm