Nâng cao năng suất lao động: Phải bắt đầu từ cam kết của lãnh đạo
DNVN - Chính sách cải thiện năng suất lao động tại Việt Nam đã giải quyết phần nào vấn đề bức mối quan hệ giữa “năng suất” và “chất lượng” sau thời kì đổi mới. Tuy nhiên, để năng suất lao động cải thiện thực sự, các chuyên gia cho rằng, phải bắt đầu từ cam kết của lãnh đạo để đảm bảo chính sách sẽ được thực hiện hiệu quả, mang lại kết quả tốt đẹp.
FED giữ nguyên lãi suất cơ bản / Loạt giải pháp "cách mạng" giúp NSNN thu về 100 tỷ USD
Tại Hội thảo "Cải thiện năng suất lao động Việt Nam để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia" diễn ra vào chiều 21/3, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội cho biết: Năng suất lao động (NSLĐ) bình quân của Việt Nam tăng từ 18,886 triệu đồng/lao động (1991) lên mức 54,427 triệu đồng/lao động (2015). Như vậy, sau 25 năm, NSLĐ bình quân của Việt Nam tăng chưa tới 3 lần.
"Việt Nam chỉ có thu nhập trung bình thấp và tăng trưởng trung bình. Đây dường như là một lý do khiến Việt Nam phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình như đã được chỉ ra bởi
một số nghiên cứu gần đây", ông Nguyễn Đức Thành nhận định.
Đánh giá về chính sách cải thiện năng suất lao động tại Việt Nam, Viện trưởng VEPR cho biết: Chính sách cải thiện NSLĐ đã giải quyết phần nào vấn đề bức mối quan hệ giữa “năng suất” và “chất lượng” sau thời kì đổi mới qua hai thập niên. Cùng với đó, các cơ quan liên quan tích lũy được kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực năng suất cùng với lượng lớn nhân lực được đào tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ông Thành đánh giá, "các chính sách mới chỉ tập trung cải thiện năng suất gắn với chất lượng cho doanh nghiệp, trong khi vấn đề nâng cao năng suất là bài toán của cả quốc gia, doanh nghiệp và hộ gia đình. Phong trào năng suất thiên về yếu tố chất lượng nên một số khía cạnh năng suất khác chưa được quan tâm đầy đủ như năng suất lao động".
Toàn cảnh hội thảo.
Nhận thức về vấn đề năng suất ở Việt Nam dường như vẫn theo tư duy kế hoạch hóa truyền thống: lập kế hoạch từ trên áp xuống và ít xuất phát từ tổ chưc cải tiến của từng cá nhân, đơn vị. Trong khi đó, các cơ quan hoạt động liên quan đến lĩnh vực năng suất nằm rải rác trong các bộ khác nhau nên quá trình giao tiếp liên lạc giữa các bên nhiều khi bị cản trở và chậm trễ.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS) thẳng thắn nhận định, dù đã có nhiều năm xây dựng quan hệ kinh tế song phương, Việt Nam vẫn chưa tiếp nhận các công cụ năng suất của Nhật Bản một các đầy đủ, có hệ thống. Trong khi đó, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, v.v.. đã nghiêm túc học hỏi các công cụ của Nhật Bản. Một số công cụ, ví dụ như 5S, đã được thử nghiệm ở cấp doanh nghiệp hoặc được hỗ trợ bởi JICA, tuy nhiên quy mô rất nhỏ và chỉ có hiệu quả ngắn hạn.
Qua đó, ông Kenichi Ohno gợi ý, phong trào năng suất quốc gia nên được tiến hành trong ít nhất vài năm với mục tiêu rõ ràng. Đảng, Chính Phủ và các cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nên cùng phối hợp triển khai để mang lại kết quả.
"Có các mô hình của các nước khác bên cạnh Nhật Bản, nhưng Nhật Bản hiện là nước đi đầu về các công cụ năng suất, và Nhật Bản sẵn lòng hợp tác với Việt Nam. Vì những lý do trên, Việt Nam nên bắt đầu với các công cụ của Nhật Bản", ông Kenichi Ohno chia sẻ.
Theo vị GS này, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam cần cam kết mạnh mẽ thực hiện chính sách cả trên cương vị cá nhân, đảm bảo bất kì vấn đề nào phát sinh sẽ được giải quyết và chính sách sẽ được thực hiện hiệu quả, mang lại kết quả tốt. Vấn đề nâng cao nhận thức quốc gia cũng cần được chú trọng, tức là tất cả người dân bao gồm các bộ trưởng, cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động, nông dân và học sinh sinh viên cần nhận thức tầm quan trọng đặc biệt của năng suất lao động đối với cá nhân và đất nước.
Công tác thực thi dự án bắt đầu từ dự án thí điểm tới hát triển mô hình cấp quốc gia, đào tạo chuyên gia trong nước và xây dựng cơ chế với nhiệm vụ, ngân sách và nhân sự phù hợp. Sau giai đoạn thí điểm cần triển khai chương trình năng suất quốc gia trên toàn quốc và nhà nước chuyển giao cho khu vực tư nhân.
Trên phương diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt chia sẻ với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam rằng: Chất lượng lao động và NSLĐ là vấn đề mà tất cả các DN sản xuất và xuất khẩu quan tâm.
"Để có được nguồn lao động ổn định, chất lượng cao, đạt NSLĐ cao thì từ lãnh đạo công ty phải có định hướng, cam kết rất tốt về phát triển sản phẩm, đồng thời nâng cao nhận thức nhân viên của mình để làm sao họ hiểu được chỉ có NSLĐ cao thì DN mới tồn tại và phát triển", ông Tuyên nói.
Nói về rào cản và khó khăn trong việc nâng cao NSLĐ, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt cho biết đó là vấn đề lương và lao động không qua đào tạo. Người lao động đòi lương cao là vấn đề thách thức lớn nhất đối với DN. Khi DN và người lao động chưa nhất trí về quan điểm, chưa thống nhất được với nhau về lương thì đây thực sự là rào cản.
"Khó khăn thứ hai là lao động không qua đào tạo. Sản xuất đồ gỗ của DN ở nông thôn chủ yếu là lao động ở các làng nghề, chúng tôi vất vả trong việc rèn cho họ có ý thức về sản phẩm để lao động tạo ra sản phẩm có chất lượng. Lãnh đạo công ty phải động viên để họ hiểu được xu thế hiện nay. Bởi vì nếu DN không có sản phẩm tốt, không xuất khẩu được thì các bạn ấy sẽ không có việc làm và làng nghề gặp khó khăn", ông Tuyên cho biết.
Qua đó, ông đề xuất Nhà nước tạo cơ hội đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên, lao động trẻ thông qua trung tâm xúc tiến thương mại địa phương.
"Nhà nước có thể triển khai các khóa học miễn phí cho lao động, công nhân để học nghề, nâng cao kiến thức, công nghệ, trình độ ngoại ngữ, vi tính để họ có lòng yêu nghề, yên tâm làm việc lâu dài, phát triển tốt trong môi trường mở cửa hội nhập sâu rộng như hiện nay", ông Tuyên kiến nghị.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phát triển các khu thương mại tự do sẽ là bàn đạp thúc đẩy dịch vụ logistics
Giá vàng thế giới ngày 14/11: Giảm phiên thứ 4 liên tiếp do USD tăng mạnh
Sẽ áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ ngày 20/11
Giá heo hơi ngày 14/11/2024: Xu hướng tăng giảm không đồng đều
Giá ngoại tệ ngày 14/11/2024: USD đạt đỉnh cao nhất trong năm, cán mốc 106,51
Tổng giám đốc công ty Văn hoá Tân Bình ALT 'mua chui' hàng trăm ngàn cổ phiếu
Cột tin quảng cáo