Năng suất cà phê Đắk Lắk vượt trội từ chương trình tái canh
Hà Nội: Thu lãi 'khủng' nhờ trồng bưởi da xanh / Sơn La: Thu bạc tỷ nhờ trồng cam sạch
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước. Với diện tích hơn 208.000 ha, sản lượng hàng năm lên đến 480.000 tấn nhân. Tuy nhiên, phần lớn là diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp. Chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020 tại Đắk Lắk chủ yếu trồng bằng giống mới, đã từng bước tăng năng suất, chất lượng góp phần phát triển ngành hàng cà phê bền vững.
Qua 6 năm triển khai chương trình tái canh cà phê, tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại Đắk Lắk là hơn 35.400 ha, đạt trên hơn 85% so với kế hoạch. Việc tái canh cà phê đã góp phần quan trọng trong nâng cao năng suất và chất lượng của cà phê Việt Nam.
Với Đắk Lắk, sau tái canh, năng suất cà phê đã tăng từ 20 tạ lên 25 tạ/ha. Đặc biệt, những diện tích cà phê tái canh được quản lý tốt về giống và kỹ thuật năng suất bình quân đạt gần 28 tạ/ ha tăng khoảng 3 tạ/ha so với năng suất cà phê hiện có.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, chương trình tái canh cà phê tại Đắk Lắk cũng gặp những khó khăn như: Một số hộ dân chưa tuân thủ tốt các yêu cầu kỹ thuật khi tái canh, phần lớn nông dân áp dụng hình thức tái canh từng phần (cuốn chiếu) nên khó thẩm định vay vốn, công tác tuyên truyền về kế hoạch tái canh, quy trình tái canh chưa được thường xuyên để nhân dân nhận thức thực hiện tốt chương trình tái canh cà phê.
Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk, để giải quyết những khó khăn trong thực hiện tái canh cà phê, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng các chương trình hỗ trợ để người dân sẵn sàng chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi sang tái canh. Cùng với đó, các quy trình thực hiện tái canh đang được đánh giá lại theo hướng lâu dài, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị và chuỗi liên kết sản xuất.
"Chúng tôi tiếp tục rà soát kế hoạch, xem xét những khó khăn vướng mắc huy động các nguồn lực trong đó đặc biệt là chương trình cho vay vốn của ngân hàng nhà nước và hỗ trợ vốn của các doanh nghiệp trong tái canh và có những mô hình những quy trình tái canh hiệu quả để ứng dụng khoa học công nghệ ở tất cả các khâu kể cả nhật ký nông hộ để theo dõi thực hiện tái canh giai đoạn sắp tới” - ông Hiển nêu rõ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo