Thị trường

Nguồn vốn giúp dân xóa đói, giảm nghèo

Thời gian qua, nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân, vun đắp ấm no và phát triển kinh tế địa phương.

Sơn La gặp vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn hỗ trợ người có công / Làn sóng khởi nghiệp đang là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế

Nguồn vốn giúp dân xóa đói, giảm nghèo

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội trao đổi tình hình sử dụng vốn vay của tổ viên với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tại Ðiểm giao dịch xã Canh Thuận.

Chị Lê Thị Me - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hà Văn (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Ðịnh) vẫn chưa quên những tháng ngày gia đình "chung thân" với hai chữ hộ nghèo. Bốn năm trước, khó khăn càng thêm chất chồng khi người chồng - trụ cột chính của gia đình qua đời. Một nách nuôi hai con nhỏ, dù cần cù, cật lực từ việc nhà đến làm thuê, song mối lo cơm áo, gạo tiền vẫn nặng trĩu trên đôi vai nhỏ bé của chị Me. Nhà có tới 3 ha đất đồi nhưng lúc đầu chị Lê Thị Me chưa mạnh dạn sản xuất cho nên vay vốn NHCSXH cũng chừng mực. Ý thức được không có con đường nào có thể phát triển kinh tế nếu không mạnh dạn đầu tư sản xuất, vì vậy, cùng với con bò giống được Nhà nước hỗ trợ, chị Me mạnh dạn vay NHCSXH

30 triệu đồng để trồng keo và nuôi bò. Nhờ chăm sóc tốt, bò giống đã sinh sản, keo cũng bán được giá. Cuối năm 2017, chị Me xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. "Thời gian qua, gia đình tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ NHCSXH rất nhiều. Bây giờ kinh tế gia đình khá hơn trước, mẹ con tôi đã có thể tự lực cánh sinh, cho nên tôi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo để những hộ nghèo hơn, khó khăn hơn được hỗ trợ" - chị Me cho biết.

Chị Me không phải là người duy nhất xin ra khỏi hộ nghèo của xã Canh Thuận, mà ở đây có nhiều hộ từng làm đơn như chị để cùng chia sẻ nguồn lợi mà Ðảng, Nhà nước và Chính phủ dành cho người nghèo. Là điển hình trong sử dụng vốn vay ưu đãi để thoát nghèo, chị Lê Thị Me còn được người dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tiêu biểu ở địa phương. Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Me làm Tổ trưởng hiện có 60 tổ viên tham gia sinh hoạt với dư nợ hơn 2,5 tỷ đồng; nhiều năm liền không có nợ quá hạn, nợ khoanh.

Cùng với chủ trương của NHCSXH dồn vốn cho những địa bàn khó khăn, dòng chảy tín dụng về xã Canh Thuận ngày càng mạnh và phủ rộng, hòa quyện cùng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã. Tính đến cuối tháng 4/2019, tổng dư nợ toàn xã lên tới gần 29 tỷ đồng với 808 hộ còn dư nợ.

Chứng kiến 13 dòng vốn tín dụng chính sách đang chuyển dịch trong đời sống người dân, và nhất là chất lượng tín dụng của xã khá tốt không có nợ quá hạn, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã đánh giá cao vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể cũng như Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trong công tác phối hợp NHCSXH triển khai có hiệu quả nguồn vốn.

 

Ðối với một xã còn khó khăn như Canh Thuận, sự vào cuộc nhiệt huyết của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể góp phần tạo ý thức tiết kiệm cho người dân, gia tăng nguồn vốn huy động cho NHCSXH. Tính đến cuối tháng 4/2019, tổng số nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt hơn 1,2 tỷ đồng, tăng 318 triệu đồng so đầu năm, đạt 110% kế hoạch. Tiền tiết kiệm của dân cư và tiền gửi của các tổ chức, cá nhân 782 triệu đồng, tăng 292 triệu so với đầu năm đạt 120% kế hoạch.

Từ một xã khó khăn như Canh Thuận, nhìn rộng ra toàn tỉnh Bình Ðịnh, nguồn vốn tín dụng được đánh giá là một giải pháp quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm. Tín dụng chính sách rất có ý nghĩa ở ba huyện nghèo miền núi thuộc Chương trình 30a, 26 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn III, 47 thôn đặc biệt khó khăn ở 14 xã khu vực II, 18 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và 59 xã thuộc địa bàn vùng khó khăn. Hiện nay NHCSXH tỉnh Bình Ðịnh đang triển khai 19 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đến nay đạt 3.580 tỷ đồng với hơn 92 nghìn khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 38,81 triệu đồng/hộ.

Những tác động của dòng vốn chính sách càng thêm rõ khi nhìn lại hành trình hoạt động hơn 16 năm qua, với hơn 594 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên toàn tỉnh được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh. Ðến cuối năm 2018, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm về 56.258 hộ, chiếm tỷ lệ 8,82% tổng số hộ dân (hộ nghèo 30.067 hộ, chiếm 7,01% tổng số hộ; hộ cận nghèo 26.191 hộ, chiếm 6,11% tổng số hộ).

HÐND và UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm cân đối bổ sung nguồn vốn cho chi nhánh NHCSXH trên địa bàn. Tính đến thời điểm này, tổng số vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt hơn 108 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh, huyện còn nhận được sự hỗ trợ về bố trí đất để xây dựng trụ sở làm việc.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Ðịnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của NHCSXH đã đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong 16 năm qua. Cụ thể, NHCSXH đã hỗ trợ kịp thời nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện điều kiện sống, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. "Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp với NHCSXH để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn trong thời gian tới" - đồng chí Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.

 

Theo nhandan.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm