Những bất cập chồng chéo trong quản lý vận hành thủy điện
56 tỷ m3 nước tại các hồ chứa thủy điện
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay các hồ chứa thủy điện có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước.
Theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đến năm 2018 cả nước có 818 dự án thủy điện (DATĐ) với tổng công suất lắp đặt 23.182MW. Hiện nay, đã đưa vào khai thác sử dụng 385 DATĐ với tổng công suất lắp đặt 18.564MW. Còn lại 143 DATĐ với tổng công suất lắp đặt 1.848MW đang xây dựng, 290 DATĐ với tổng công suất lắp đặt 2.770MW đang nghiên cứu đầu tư. Các DATĐ đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 42,87% về điện năng.
Về thẩm quyền, có 05 hồ là : Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Srêpôk 4 và Sê San 4A thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Sê San 4A đã ủy quyền cho Bộ Công Thương. Thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương có 221 hồ. Thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh có 119 hồ. Bộ Công Thương đã phê duyệt quản trị vận hành (QTVH) 01 hồ theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ (Srêpôk 4) và đang thẩm định QTVH 03 hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang. QTVH 03 hồ này đang được EVN hoàn thiện hồ sơ. Dự kiến giữa tháng 8/ 2018, EVN sẽ trình Bộ Công Thương thẩm định và xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi ký quyết định phê duyệt ban hành.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện đến năm 2030 đạt khoảng 25.400MW.
Bất cập, chồng chéo trong quản lý
Việc vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện hiện nay được điều chỉnh bởi các luật: Phòng chống thiên tai, Điện lực, Xây dựng, Thủy lợi… Vì vậy, đã có còn một số bất cập và chồng chéo trong công tác quản lý.
Ví dụ như, về mặt kỹ thuật, các yêu cầu liên quan đến vận hành hồ chứa, quản lý an toàn đập thủy điện tương tự như đối với hồ chứa thủy lợi. Tuy nhiên, Luật Thủy lợi hiện hành không có quy định về vận hành và quản lý an toàn đập thủy điện, tạo ra khoảng trống trong công tác vận hành hồ, quản lý an toàn đập các hồ thủy điện.
Hay một số quy định hiện chưa rõ ràng hoặc chưa có quy định chi tiết thi hành như các quy định về: Xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai; lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn ( KTTV) chuyên dùng theo quy định của pháp luật về KTTV; xác định vùng hạ du, bản đồ ngập lụt theo quy định của pháp luật về thủy lợi.
Trong đó, có một số quy định chồng chéo như: Xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập theo quy định của pháp luật về thủy lợi; báo cáo thông tin về quan trắc KTTV, vận hành hồ chứa theo quy định của pháp luật về KTTV, quản lý an toàn đập...
Hiện nay, chưa có quy định về xác định và quản lý hành lang thoát lũ nên nhiều hộ dân đã xây nhà, công trình và sản xuất nông nghiệp trong hành lang thoát lũ. Có những công trình xả lũ chỉ đáp ứng khoảng 30 - 50% lưu lượng xả thiết kế nên đã gây mất an toàn cho vùng hạ du (Đa Nhim, Hòa Bình…).
Để khắc phục những bất cập cũng như chồng chéo trong công tác vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung. Trong đó có việc, đề xuất giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể và sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập. Đồng thời, kiến nghị có những chỉ đạo và yêu cầu cụ thể với UBND các tỉnh, các chủ quản lý đập thủy điện.
Đối với hành lang thoát lũ, UBND các tỉnh phối hợp với các chủ đập rà soát tổng thể vùng hạ du đập và có biện pháp xử lý, quản lý chặt chẽ hành lang thoát lũ để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du khi các hồ chứa thủy điện vận hành xả lũ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo