Những kiến nghị, đóng góp về chính sách phát triển khoa học và công nghệ của VST trong năm 2023
Tận dụng lợi thế để bứt phá / Khởi sắc tín hiệu kinh tế Việt Nam 2024
Kiến nghị đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN thương mại hóa sản phẩm, vươn tầm quốc tế
Tại hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì (tháng 3/2023), Chủ tịch Hiệp hội VST Hoàng Đức Thảo nhấn mạnh: Trong vài năm qua, tình hình dịch bệnh, kinh tế, tài chính khó khăn, gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp KH&CN ảnh hưởng khá nặng nề, hoạt động nghiên cứu thành công nhưng không có đầu ra. Cơ chế chính sách chưa thực hiện đồng bộ, vốn đầu tư thiếu hụt nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn và phải dừng hoạt động.
Hiệp hội VST đã cố gắng nỗ lực, tìm hướng đi đúng, phát huy thế mạnh của mình, tạo mối quan hệ đối ngoại ngày càng sâu rộng với các nước trên thế giới, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt có cơ hội phát triển lớn mạnh vươn tầm quốc tế.
"Tôi mong rằng Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ban ngành trung ương quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp KH&CN có chỗ dựa vững chắc trong hoạt động KH&CN, ngày càng nâng cao hiệu quả, xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Việt đi khắp năm châu. Qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam ngày càng phát triển bền vững trên bước đường hội nhập kinh tế quốc tế", Chủ tịch VST Hoàng Đức Thảo kiến nghị.
Cũng theo Chủ tịch VST Hoàng Đức Thảo, nhiều doanh nghiệp KH&CN của Việt Nam đã có thương hiệu bền vững và hoàn toàn tự tin để hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam là đối tác tự tin, ngang hàng với đối tác nước ngoài cả về trí lực, công nghệ cũng như tiềm lực tài chính. Nhu cầu xuất khẩu các hàng hóa công nghệ cao của Việt Nam rất lớn, nhu cầu nhập khẩu công nghệ cao từ thế giới của các doanh nghiệp cũng không nhỏ, doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền mua công nghệ nước ngoài nếu họ thấy hiệu quả.
Vì vậy, vấn đề là làm thế nào để kết nối cung cầu một cách hiệu quả, đó chính là vai trò cầu nối của các nhà ngoại giao. Các nhà ngoại giao am hiểu thị trường, doanh nghiệp, có các mối quan hệ sâu ở nước sở tại sẽ là người kết nối, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra những thông tin trên cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) cũng là những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm. Công nghệ phát triển từng ngày, từng giờ, việc cập nhật các công nghệ mới vào một trung tâm dữ liệu để các doanh nghiệp khai thác, lựa chọn, kết nối là một nhu cầu lớn trong thời đại cách mạng 4.0, rất mong Chính phủ và Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành xây dựng được trung tâm dữ liệu này.
Đóng góp ý kiến đối với Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
Ngày 20/9/2023, lãnh đạo Hiệp hội VST đã có buổi làm việc với đại diện Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với nội dung đóng góp ý kiến đối với nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Theo đó, Chủ tịch VST Hoàng Đức Thảo và Phó Chủ tịch VST Nguyễn Thị Hương Liên đã thay mặt hiệp hội nêu những đề xuất, kiến nghị liên quan đến thi hành Luật Đấu thầu. Trong đó nhấn mạnh đến việc đấu thầu của các doanh nghiệp hoạt động về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, mục tiêu là tìm ra, lựa chọn phương án thay thế tối ưu nhất về giá cả, chất lượng, tiến độ.
Cũng theo kiến nghị của Hiệp hội VST, cần bổ sung ưu tiên đối với doanh nghiệp KH&CN và sản phẩm KHCN. Bởi vì, doanh nghiệp KH&CN là đối tượng quan trọng trong chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Và có riêng một nghị định về doanh nghiệp KHCN. Đây là nòng cốt phát triển KH&CN, tạo ra các sản phẩm ưu việt từ nghiên cứu khoa học.
Phó Chủ tịch VST Nguyễn Thị Hương Liên.
Kiến nghị có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp KH&CN
Tại hội thảo “Giải pháp thực thi chính sách cho doanh nghiệp khoa học công nghệ” do Hiệp hội VST tổ chức ngày 28/9/2023 tại Thái Bình, Chủ tịch VST Hoàng Đức Thảo kiến nghị với đại diện Bộ KH&CN, đề xuất Nhà nước cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, theo đó thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo.
Các tổ chức trực thuộc Bộ KH&CN tăng cường phối hợp với các sở KH&CN địa phương tổ chức, tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định 13/2019 về doanh nghiệp KHCN, bảo đảm DN KHCN đều được hưởng lợi từ nghị định này.
Chủ tịch VST cũng đề xuất Bộ KH&CN xem xét trình Chính phủ xin chủ trương thiết lập cơ chế chính sách đặc thù, theo hướng xem hoạt động đầu tư nghiên cứu KHCN là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm cần được bảo trợ chính sách thiết thực của Nhà nước.
Người đứng đầu VST cũng kiến nghị Bộ KH&CN tạo điều kiện cho hiệp hội VST được hợp tác, tiếp cận, tiếp nhận, thụ hưởng các nguồn lực KH&CN của các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho doanh nghiệp KHCN Việt Nam.
Thống kê tính đến hết năm 2022, cả nước có 712 doanh nghiệp khoa học công nghệ được công nhận trên tổng số 3000 doanh nghiệp tiềm năng. Đa số các doanh nghiệp đang hoạt động phát triển sản xuất tốt, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp cho xã hội, trong đó có nhiều doanh nghiệp nằm trong Top 500 có tốc độ tăng trưởng hàng đầu của Việt Nam. Doanh nghiệp KHCN ngày càng có nhiều sản phẩm, dịch vụ được thương mại hóa ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chỉ tính riêng hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, nhân lực phục vụ cho KHCN cũng lên đến hơn 4.636 người. Năm 2022 các doanh nghiệp KHCN là hội viên VST đã có đóng góp nhất định cho ngân sách nhà nước (ước tính đạt 279,5 tỷ đồng). |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)