Thị trường

Khởi sắc tín hiệu kinh tế Việt Nam 2024

DNVN - Khép lại năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua vòng xoáy ngược để đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện. Nhiều lĩnh vực để lại dấu ấn nổi bật, tạo đà tăng trưởng cho năm 2024.

Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao / Nâng cao hiệu quả điều hành tín dụng cho tăng trưởng kinh tế

Vượt “gió ngược”, tăng trưởng cao hơn trung bình toàn cầu

Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế của Việt Nam phải đối diện với nhiều “cơn gió ngược” khiến sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường cũng như các đối tác.

Những gì kinh tế Việt Nam phải đương đầu, vượt qua và gặt hái thành công trong năm 2023 đã được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước khẳng định "Việt Nam đang lội ngược dòng xoáy". Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn trung bình toàn cầu và dấu hiệu phục hồi rõ rệt trong những tháng cuối năm 2023 đã mở ra triển vọng tăng trưởng sáng hơn cho năm 2024.

Hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước diễn ra sôi động trong năm 2023, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam năm 2024. Góp phần tạo đà phát triển kinh tế của đất nước và tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng, để đưa nền kinh tế vượt qua sóng gió, chưa bao giờ Quốc hội, Chính phủ lại liên tục đưa ra nghị quyết trong hai năm 2022-2023. Điều này khẳng định sự linh hoạt ứng biến về chính sách kinh tế của nước ta.

Chính phủ nhiều lần dùng "3 động lực phát triển" là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công để kích tổng cầu. Nghị quyết của Quốc hội áp dụng nhiều cơ chế đặc thù cho các công trình giao thông, Chính phủ lập nhiều tổ tháo gỡ các điểm nghẽn từ lĩnh vực bất động sản đến các dự án khác.

Năm 2023, dự báo tăng trưởng GDP khoảng 5%, tuy chưa bằng 2019 nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 theo hướng quý sau cao hơn quý trước. Ước tăng trưởng GDP quý IV đạt 7,72%, cao hơn mức tăng trưởng quý III là 5,23%; quý II là 4,05% và quý I là 3,28%.

Kỳ vọng “sức bật” từ các đầu tàu kinh tế

Hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước diễn ra sôi động trong năm 2023, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Góp phần tạo đà phát triển kinh tế của đất nước và tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023 là điểm sáng của khu vực.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, qua rà soát các động lực tăng trưởng kinh tế, cả 3 mặt về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024.

Cụ thể, về tiêu dùng, hiện nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã trên 9%, tiệm cận mức 2 con số, tạo đà tốt cho năm sau. Trong lĩnh vực đầu tư, cả 3 mặt gồm đầu tư Nhà nước, đầu tư FDI, đầu tư tư nhân trong năm 2024 dự đoán là khá tốt, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, ngành nghề khác phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư trong nước gắn với xuất khẩu có thể khởi sắc hơn vào năm 2024.

Không chỉ có chuyên gia kinh tế trong nước kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức 6-6,5%. Nhiều tổ chức nước ngoài như Standard Chartered, Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… cũng dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng kinh tế từ 6-6,7% vào năm tới.

Khai thác động lực tăng trưởng mới

Mặc dù đón nhận nhiều khởi sắc nhưng những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn hiện hữu. Theo các chuyên gia kinh tế đầu ngành, với những thách thức do xung đột địa chính trị và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nguy cơ lạm phát tại các thị trường chủ chốt của Việt Nam vẫn tiềm ẩn, thị trường trong nước còn yếu, đầu tư khu vực tư nhân chưa phục hồi.

Cùng với đó, áp lực nợ xấu gia tăng; tăng trưởng, xuất khẩu chưa thể bứt phá so với trước. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công có tăng, nhưng nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao thì không đạt và dư địa khu vực này còn rất lớn. Cải cách về thể chế, những khiếm khuyết trong hệ thống pháp luật vẫn là những điểm mấu chốt.

Bởi vậy, cần nhìn thẳng vào thực tế, nhận diện thách thức và cơ hội để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024.

Đại diện thường trú UNDP Ramla Khalidi cho rằng quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển dịch năng lượng đang mang đến những cơ hội mới để Việt Nam có thể thâm nhập vào các thị trường mới, gia tăng giá trị và hàm lượng hàng hoá, cũng như thúc đẩy xuất khẩu. Việt Nam cũng có thể tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng những công nghệ tiên tiến như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội này để phát triển ở mức cao hơn.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Việt Nam nên gia hạn chương trình phục hồi kinh tế sang năm 2024. Nỗ lực khôi phục niềm tin và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản sẽ là chìa khóa hỗ trợ ổn định kinh tế trong ngắn hạn và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR), ĐHQG Hà Nội cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm quyền tài sản, tự do kinh doanh cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Còn theo TS Trần Du Lịch, cần phải có "số nhân tài khóa" khi thúc đẩy đầu tư công. Các động lực thúc đẩy đầu tư công phải gắn kết với nhau, đầu tư công phải lan tỏa ra nền kinh tế. Cần giải quyết những vướng mắc tại thị trường nội địa để hỗ trợ cho doanh nghiệp và coi giải pháp này là điểm tất yếu. Nếu xử lý được, cùng với đầu tư công sẽ củng cố nền tảng kinh tế Việt Nam vững chắc hơn.

Bên cạnh các động lực tăng trưởng hiện hữu như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, các mô hình kinh doanh có hiệu quả.



Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm