Thị trường

Nỗ lực gỡ khó cho thương mại Việt Nam - Trung Quốc

DNVN - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thương mại Việt Nam – Trung Quốc.

Tìm đầu ra cho sản phẩm mây tre đan / Trung Quốc siết giao thương nơi cửa khẩu: Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp phải làm gì?

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, từ đầu tháng 02/2020, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng thành công quy trình và cơ chế phối hợp giám sát y tế, phòng chống dịch bệnh đối với hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, trao đổi cư dân biên giới tại các cửa khẩu, cặp chợ biên giới giữa hai nước.
Quy trình này không những giúp khôi phục lại hoạt động thông thương hàng hóa Việt – Trung (bao gồm xuất khẩu nông sản và nhập khẩu nguyên liệu sản xuất trong nước) mà còn đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng chống dịch bệnh.
Bộ Công Thương liên tục có các thông tin cập nhật về tình hình XNK hàng hóa tại biên giới, cảnh báo các địa phương, doanh nghiệp về tình trạng ùn ứ hàng nông sản xuất khẩu. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng trực tiếp tiến hành khảo sát, nắm tình hình và chỉ đạo công tác tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới.

Các Thương vụ/Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nói chung, Trung Quốc nói riêng liên tục báo cáo cập nhật thông tin diễn biến thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản và nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế phục vụ nhu cầu trong nước.
Bộ Công Thương thường xuyên trao đổi, làm việc Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và đề nghị Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam liên tục giao thiệp với chính quyền 2 địa phương biên giới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK tại khu vực biên giới. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã điện đàm với Bí thư Khu ủy Khu tự trị Choang Quảng Tây Trung Quốc ngày 13/3/2020.
Cuối tháng 3 năm 2020, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, dự báo trước khả năng Trung Quốc sẽ có biện pháp tăng cường kiểm soát dịch bệnh từ nước ngoài, Cục Xuất nhập khẩu đã có công văn số 0331/XNK-TMQT về việc XNK hàng hóa sang Trung Quốc qua biên giới ngày 01/4/2020 gửi Sở Công Thương các tỉnh thành phố và Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các Hiệp hội và doanh nghiệp XNK hàng hóa sang thị trường Trung Quốc; Công văn văn số 2407/BCT-XNK ngày 5/4/2020 gửi UBND các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc về việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Vụ thị trường châu Á - châu Phi có công văn số 2304/BCT-AP ngày 31/3/2020 đề nghị Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh và Côn Minh chủ động giao thiệp với Chính quyền Quảng Tây và Vân Nam đề nghị hai địa phương này tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa của doanh nghiệp, cư dân hai bên được thông suốt.
Ngày 08/4, Bộ Công Thương đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam giao thiệp về các biện pháp siết chặt quản lý người và hàng hóa nhập cảnh giữa Việt Nam và Trung Quốc và thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc.
Đề nghị Bộ Ngoại giao cùng phối hợp thúc đẩy tháo gỡ khó khăn trong thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc (Công văn số 264/BCT-AP ngày 9/4/2020).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gửi công thư cho Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, Tổng cục trưởng Tổng Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong ngày 09/4/2020.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gửi công thư cho Bí thư Khu ủy Khu tự trị Choang Quảng Tây về việc tiếp tục thực hiện ý kiến thống nhất tại Điện đàm ngày 13/3/2020 và tích cực phối hợp để đảm bảo thương mại thông suốt.
Thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đang chuẩn bị nội dung và thu xếp Điện đàm giữa Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn; Phối hợp với Sở Thương mại Quảng Tây tăng số lượng chuyến tàu vận tải hàng hóa đường sắt chở nông sản Việt Nam – Trung Quốc; Công văn gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị phối hợp trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc tháo gỡ vướng mắc hiện nay.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm