Thị trường

Nông sản Việt vật lộn với 'bài toán' chi phí

Chi phí giá thành bị đội lên từ việc tăng giá các loại phân bón, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu, cước vận chuyển... đang là bài toán “đau đầu” với ngành hàng nông thuỷ sản khi vẫn chưa tìm được lời giải, vì còn “nặng đầu vào”.

Dệt may có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU / Thí điểm chính sách hỗ trợ, Đà Nẵng liên tiếp thu hút các đoàn du khách MICE

Ở huyện Châu Thành (Tây Ninh), từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số hộ chăn nuôi gia cầm đã quyết định “treo chuồng”, tạm thời không tái đàn lứa tiếp theo vì lo ngại sẽ thua lỗ do giá thức ăn đang tăng cao.

Thua lỗ vì giá đầu vàotăng vọt

Theo chia sẻ của một hộ chăn nuôi gà, từ những tháng cuối năm 2020, giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng, ban đầu chỉ tăng 5.000 đồng/bao nhưng tăng liên tục từ đó đến nay, trung bình khoảng 3 tuần đến 1 tháng lại tăng một lần. Tổng cộng mức tăng mỗi bao thức ăn tính đến tháng 3 này là 30.000 đồng.

HINH-7116-1615543227.jpg

Chi phí đầu vào tăng, cộng với tác động của dịch Covid-19 làm cho ngành hàng trái cây gặp khó.

Theo ghi nhận, mức giá các loại thức ăn chăn nuôi gia cầm hiện đã tăng khoảng 20% so với thời điểm tháng 10/2020. Trong khi đó, giá của trứng gia cầm từ đầu tháng 2/2021 đến nay ở các địa phương giảm kỷ lục so với mọi năm, được phản ánh là rao bán la liệt, rẻ chưa từng có...

Đơn cử ở huyện Đông Anh (Hà Nội) hiện trang trại đang bán trứng gà đỏ với giá 1.200 đồng/quả, trong khi chi phí nuôi thành phẩm là... 1.600 đồng/quả!

Còn mới đây, trên UnderCurrentNews (UCN) - trang thông tin về thuỷ sản nổi tiếng của Mỹ, có nhận định về bài toán chi phí giá thành cá tra Việt Nam trong năm 2021 với nhiều điểm đáng lưu tâm.

Trang thông tin này dẫn lời giám đốc điều hành của một nhà máy chế biến lớn cá tra ở Việt Nam cho biết, thị trường cá tra trở nên căng thẳng sau Tết Nguyên đán. Nhiều hộ nuôi cá tra chưa sẵn sàng để bắt đầu cho vụ nuôi mới. Do chi phí nuôi tăng cao, nên người nuôi đã tạm ngưng thả nuôi bởi lo lỗ lớn.

Cũng theo UnderCurrentNews, giá cá giống và giá thức ăn chăn nuôi đã tăng mạnh kể từ cuối năm 2020, giá vận chuyển hàng hóa thì tăng chóng mặt.

 

Trong đó, giá thức ăn chăn nuôi cá tra tăng chủ yếu là do giá đậu nành. Còn các chi phí khác như: Điện, nước, thậm chí cả găng tay cũng tăng. Vì thế, lợi nhuận sẽ không thể được cải thiện do chi phí sản xuất lớn.

Một nhà xuất khẩu cá tra còn cho biết, bản thân doanh nghiệp (DN) đang kinh doanh thua lỗ 20-30% vì giá cước vận chuyển tăng gấp đôi hoặc gấp 3 lần, kéo dài từ những tháng cuối năm 2020 đến nay.

Còn ở Đồng Nai, theo phản ánh, từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng dầu tiếp tục tăng, hiện ở mức cao nhất trong gần một năm qua, ít nhiều tác động tới chi phí vận tải, sản xuất, hoạt động kinh doanh của nhiều DN, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), nhu cầu tưới nước cho vườn cây hiện đang ở mức cao, giá xăng dầu tăng trong thời gian qua đã tác động tới nhiều chi phí vận hành liên quan của HTX.

Bài học cho chuỗi giá trị

 

Còn theo ông Trần Xuân Trường, Giám đốc điều hành HTX Thương mại - dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (huyện Tân Phú), HTX gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối các khoản chi phí sản xuất, vận hành. Bởi lẽ, chi phí vận hành của HTX bị đội lên, nhất là chi phí vận tải tăng hơn khoảng 30% so với vài tháng trước đây khi giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua.

Bên cạnh việc tăng giá thức ăn chăn nuôi và giá nhiên liệu, giá phân bón đang tăng cao cũng là nỗi ám ảnh lớn với người nông dân. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá các loại phân bón đã tăng mạnh từ đầu năm 2021 cho đến nay, đặc biệt phân Urê đã tăng đến 37%.

Ông Huỳnh Thái Thông, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, đang sản xuất trên 20ha lúa, bày tỏ lo ngại vụ hè thu tới chắc chắn người trồng lúa không lãi nhiều khi giá phân bón tăng như hiện tại.

Theo dự báo vụ hè thu 2021, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi vừa phải đối mặt với hạn mặn, vừa chịu chi phí đầu vào quá cao như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Quan sát tình cảnh khó khăn của nông dân trồng lúa ở ĐBSCL trong vụ hè thu này, kỹ sư nông nghiệp Tạ Vĩnh Sơn cho biết, đây sẽ là một vụ mùa đầy thách thức cho nông dân khi chi phí nặng hơn, khó làm hơn và chịu ảnh hưởng nhiều vì thời tiết khắc nghiệt.

 

Giá phân bón cho mỗi công ruộng trồng lúa được cho là vào khoảng 1,5 - 2,5 triệu đồng. Chưa kể, với giá xăng dầu tăng, giá phân tăng thì gánh nặng lại tiếp tục đè nặng lên vai người nông dân.

Vốn chiếm khoảng 30% giá thành sản xuất nông nghiệp, nên giá phân bón tăng mạnh thì thu nhập của nhiều nông dân trong thời gian tới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Anh Sơn cho biết, niềm vui của người nông dân từ vụ Đông Xuân vừa qua không được bao lâu. Khi bước sang vụ hè thu này, với gánh nặng chồng chất từ giá phân bón tăng trong bối cảnh giá cả nông sản vẫn bấp bênh thì bản thân người nông dân vẫn luôn bị động.

Từ tác động tiêu cực khi giá thức ăn chăn nuôi, giá nhiên liệu, phân bóntăng…, có thể thấy việc chi phí giá thành đầu vào bị đội lên khiến cho người làm nông nghiệp phải luôn “vật lộn” với bài toán đầy khó khăn này.

Phải chăng chuỗi giá trị kém hiệu quả và thiếu hành động tập thể có liên quan trong chuyện này, như ở cấp nông hộ, khi người nông dân vẫn còn sử dụng quá lãng phí phân bón, hóa chất và các vật tư đầu vào? Rõ ràng, đây là bài học mà chuỗi giá trị nông sản Việt cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm