Thị trường

Chính sách cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% để trả lương là khó tiếp cận nhất

DNVN – Theo khảo sát của VCCI, trong tổng số 95 chính sách hỗ trợ được ban hành vào năm ngoái thì chính sách vay tín dụng lãi suất 0% để trả lương cho người lao động là khó tiếp cận nhất. Khoảng 26% bao gồm cả doanh nghiệp “nội” và doanh nghiệp FDI, trong tổng số hơn 10.000 doanh nghiệp được khảo sát cho biết, rất khó tiếp cận gói tín dụng này.

Gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng: Ngân hàng khẳng định không thiếu vốn, doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận / Gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo: Chọn đối tượng nào?

Tại hội thảo công bố cáo cáo tình hình hoạt động doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19 diễn ra vào sáng 12/3, đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Trong tổng số 95 chính sách hỗ trợ được ban hành vào năm ngoái bao gồm 46 chính sách mới từ trung ương, và 49 chính sách tới từ các địa phương, đại diện VCCI đánh giá cao 4 gói hỗ trợ chủ lực cho nền kinh tế, đó là gói hỗ trợ tín dụng 25.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giảm thuế 180.000 tỷ đồng và 16.000 tỷ đồng hỗ trợ trả lương cho người lao động.

Hầu hết, các doanh nghiệp đều đánh giá cao các giải pháp hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước. Đây cũng chính là một trong những yếu tố chủ đạo, giúp kinh tăng trưởng 2,91%, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hiếm hoi có kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020.

Khảo sát của VCCI cho thấy, chính sách vay tín dụng lãi suất 0% để trả lương cho người lao động là khó tiếp cận nhất (ảnh minh họa).

Khảo sát của VCCI cho thấy, chính sách vay tín dụng lãi suất 0% để trả lương cho người lao động là khó tiếp cận nhất (ảnh minh họa).

Về lý thuyết, các gói hỗ trợ nếu trên sẽ là một giải pháp có thể giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp khi đối phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tiếp cận các gói hỗ trợ này không hề dễ.

Khảo sát của VCCI cho thấy, chính sách vay tín dụng lãi suất 0% để trả lương cho người lao động là khó tiếp cận nhất. Khoảng 26% bao gồm cả doanh nghiệp “nội” và doanh nghiệp FDI, trong tổng số hơn 10.000 doanh nghiệp được khảo sát cho biết, rất khó tiếp cận gói tín dụng này.

Một số doanh nghiệp cho rằng, gói tín dụng này không thật sự hữu ích, và không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Tiếp đến là chính sách giãn thời gian khoản vay, và giảm lãi suất cũng không hề dễ tiếp cận. Ở chiều ngược lại, các chính sách liên quan tới thuế, như thuế đất, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp được đánh giá cao về khả năng thực thi.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: Mặc dù Chính phủ, cùng bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách này còn yếu, nên cần cải thiện việc thực thi các chính sách hỗ trợ.

Ông Lộc nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả thực thi, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành.

Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Đồng thời, đối với các chính sách đã ban hành, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai.

"Đặc biệt là những vướng mắc,bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19", ông Lộc nói.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, các bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ,siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm doanh nghiệp này. Nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề,nâng cao trình độ cho người lao động.

Bên cạnh các giải pháp đã được ban hành, ông Lộc kiến nghị Chính phủ có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm