Phát triển làng nghề: Tăng chất lượng, giảm số lượng
Làng nghề hoa giấy Mật Sơn rộn ràng phục vụ Tết Trung thu / Làng nghề và cách mạng công nghiệp 4.0
Ông Lê Bá Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam.
DĐDN đã có buổi trò chuyện với ông Lê Bá Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ông Ngọc cho biết, lần đầu tiên TP Hà Nội giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Dịch vụ TP Hà Nội (HPA) tổ chức Triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm-OVOP 2018” kết hợp với Hội chợ “Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2018” tại Mega Mall, Royal City.
Triển lãm diễn ra từ 21 - 25/11 nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp tăng cường và mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao sức cạnh tranh về sản phẩm của các doanh nghiệp và làng nghề để sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa và phục vụ xuất khẩu, tạo cơ hội để du khách quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối trong và ngoài nước tiếp cận về các sản phẩm mang thương hiệu OVOP Việt Nam.
- Tuy nhiên theo các chuyên gia, hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam chưa có tính sáng tạo, giá trị sử dụng, thưa ông?
Thực tế mỗi người có suy nghĩ khác nhau, tôi cho rằng, khi chúng ta chưa tự hào những gì chúng ta làm, chưa đề cao yếu tố sáng tạo thì chúng ta sẽ không phát triển được. Tại Triển lãm lần này, hai vấn đề chúng tôi thể hiện rất rõ. Một là, tính sáng tạo tại Hội chợ do nghệ nhân xây dựng lên với ý tưởng sáng tạo trong trưng bày không gian Hội chợ. Hai là những nghệ nhân đưa ra những sản phẩm thực sự có sự sáng tạo và có tính khác biệt. Ngoài ra tại Triển lãm còn trưng bày những sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu, khẳng định thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng quốc tế.
Còn ở góc độ nào đó chúng ta thiếu thị trường, thiếu nguyên liệu hay cơ chế chính sách là đúng. Bởi chúng tôi không thể can thiệp vào chính sách, mặc dù đã phản ánh, kiến nghị nhiều. Nhưng cái chúng tôi tự hào là chúng tôi làm ra những sản phẩm rất đáng trân trọng, nâng niu. Đặc biệt, sản phẩm Việt thể hiện sự sáng tạo của người Việt thông qua giá trị văn hoá. Đây là yếu tố chúng tôi đang duy trì và theo đuổi, đó cũng là nền tảng phát triển bền vững.
- Để chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (One commune one product) (OCOP) nói chung, OVOP Hà Nội nói riêng phát triển không phải “làm cho có” , theo ông là đâu “nút thắt” cần gỡ?
Tôi cho rằng thứ nhất là, phải nâng cao quan trí chứ không phải dân trí, bởi vì tôi gặp nhiều các Phó Chủ tịch các tỉnh thành cho thấy, một quyết định Phó Chủ tịch ký thì chưa triển khai được. Bí thư thành uỷ hay Tỉnh uỷ chưa phê chuẩn thì còn nhiều vấn đề xảy ra. Chỉ khi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc thì mới có những kết quả thành công bước đầu. Chính vì vậy tỉnh, thành nào nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề thì tỉnh, thành đó làm tốt.
Những sản phẩm xuất khẩu được làm từ Mây, Tre .
Tôi rất tâm đắc câu nói của ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là không nên làm phong trào mà chúng ta làm cái gì dứt điểm cái đó. OCOP là một thương hiệu khi mà đảm bảo về mặt chất lượng, môi trường, con người, xã hội. Tuy nhiên để thay đổi nhận thức của quan trí là điều không hề dễ.
Thực tế, hiện nay chúng ta có rất nhiều chương trình hỗ trợ như, khuyến công và đào tạo nghề... nhưng chỉ “ném đá ao bèo”. Điều này cho thấy, không phải là nguồn lực tài chính mà là tầm nhìn thông suốt từ trên xuống dưới.
Bên cạnh đó, ngoài sự đồng thuận là điều kiện cần thì, điều kiện đủ phải có chuyên gia thực sự trong ngành để hỗ trợ cho các tỉnh, thành. Còn bây giờ chúng ta cứ làm theo kiểu năm nay tỉnh cấp ngân sách bao nhiêu thì làm cho xong, tiêu cho hết thì chúng ta sẽ thất bại.
- Nhật Bản là nước đi đầu mỗi làng một sản phẩm và ứng dụng tốt mô hình du lịch làng nghề. Với Hà Nội để đạt được mục tiêu này theo ông đâu là giải pháp?
Nhật Bản bắt đầu thực hiện mô hình mỗi làng một sản phẩm từ năm 1979 và bây giờ những thương gia hàng đầu Nhật Bản là những giám đốc chuỗi siêu thị rất lớn. Gặp chúng tôi họ nói rằng: “Nhật Bản phát triển được như ngày hôm nay chính do đức tính chịu khó và sự khéo léo của thợ thủ công Nhật Bản làm nên”. Như vậy cái nghề thủ công (Handmade) là nền tảng phát triển nền công nghiệp Nhật Bản kỹ tính như bây giờ.
Quay lại vấn đề Hà Nội, tôi khẳng định, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành của Việt Nam đều có tiềm năng phát triển du lịch làng nghề. Riêng Hà Nội, với 1.350 làng nghề, nếu tập trung vào phát triển du lịch làng nghề thì, chắc chắn khách du lịch trong và ngoài nước đến Hà Nội không thể “bỏ đi” trước 10 – 15 ngày. Vì mỗi làng nghề là một nền văn hoá một câu chuyện. Mỗi một người thợ là một cuộc đời là một số phận là câu chuyện rất hay cần khai thác.
Tuy nhiên, nếu chúng ta so sánh du lịch làng nghề ở một số nước với Việt Nam thì hơi buồn cười, bởi làng nghề của họ chỉ vài Studio, một vài sản xuất thủ công mỹ nghệ rất bé nhưng họ xây dựng câu chuyện rất hay.
Ngược lại chúng ta có hàng nghìn người sản xuất nhưng chúng ta thiếu quy hoạch. Nhiều khi chúng ta cứ dùng đồng tiền để giải quyết vấn đề nhưng không phải vậy. Vấn đề ở đây là người dân tham gia được hưởng lợi như thế nào trong chương trình đó. Khi họ được hưởng lợi không phải chỉ tài chính mà môi trường sống, các vấn đề khác thì người dân mới tham gia và mục tiêu mới thành công được.
Tôi thấy sự thiếu sót nhất của chúng ta bây giờ là không thu hút được người dân vào cuộc. Du lịch làng nghề không có yếu tố người dân, cộng đồng thì mãi mãi thất bại. Để làm được việc này chúng ta cần phải có chủ trương. TP. HN đã có Nghị quyết số 06-NQ/TU của thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch rất hay, nhưng ai là người thực hiện và thực hiện như thế nào thì còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết.
- Vậy Hiệp hội sẽ làm gì trong thời gian tới để góp phần phát triển duy trì làng nghề, thưa ông?
Hiện tại chúng tôi đẩy mạnh nhiều vào hoạt động xuất khẩu, trong đó phần phát triển thị trường chúng tôi rất quan tâm. Chúng tôi quan niệm khách hàng hiển nhiên có, trên thế giới với hơn 7 tỷ dân họ đều là khách hàng của chúng tôi. Có điều mình làm cái gì để họ thực sự phải bỏ tiền ra mua của mình thì đó mới là vấn đề quan trọng.
Từ thực tế đó, chúng tôi tập trung rất nhiều vào công tác phát triển sản phẩm. Minh chứng là tại Triển lãm lần này người tiêu dùng sẽ thấy những sản phẩm chưa từng thấy. Nó cũng là những sản phẩm thêu móc... nhưng nó không chỉ mang tính mỹ thuật mà còn mang tính ứng dựng rất cao của đời sống.
- Tuy hiện nay hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất khẩu đi 164 nước nhưng chủ yếu vẫn là hàng “bình dân” còn hàng cao cấp thứ yếu. Vậy doanh nghiệp có tính đến việc tăng thị phần hàng cao cấp thưa ông?
Đúng vậy, những năm qua chúng tôi xuất khẩu chủ yếu phân khúc thấp cấp. Dự kiến năm 2018 chúng tôi xuất khẩu 240 triệu USD. Còn với thị trường sản phẩm cao cấp, WallMart hệ thống bán lẻ lớn nhất của Mỹ nhập khẩu hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ không quá 15%. Định hướng lâu dài chúng tôi nâng cấp phân khúc cao cấp lên, không sản xuất nhiều nhưng tạo sản phẩm giá trị gia tăng cao. Tức là giảm dần nguyên liêu, tài nguyên. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp làng nghề họ muốn đi vào chiều sâu, sản phẩm ít nhưng chất lượng cao giá trị cao.
- Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo