Phát triển thị trường thương mại điện tử lành mạnh: Cần giải pháp 'mạnh tay' hơn
Doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến trong nước: Không hợp tác, khó thành công / Thanh toán trực tuyến "níu chân" thương mại điện tử
Trong thời buổi công nghệ hiện đại liên tục được đổi mới và nâng cấp như hiện nay và dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, việc mua sắm tiêu dùng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Nhờ đó, các phương thức thanh toán trực tuyến cũng phát triển mạnh mẽ đem lại những tiện ích mới thuận lợi hơn, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí cho người mua hàng; đặc biệt, khắc phục được rủi ro trong quá trình sử dụng tiền mặt khi mua sắm và di chuyển.
Theo đánh giá của Nielsen (công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu, có trụ sở đặt tại New York, Hoa Kỳ và Hà Lan, đang hoạt động trên 100 quốc gia trên toàn thế giới), năm 2020, có 55% dân số Việt Nam hoàn toàn có khả năng truy cập internet. Với xu hướng này, người tiêu dùng Việt Nam muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao sẽ ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với doanh nghiệp khi lựa chọn để chuyển đổi sang phương thức bán hàng trực tuyến thay vì cách thức truyền thống trước đây và mặc nhiên, thương mại điện tử đang trở thành một xu hướng không thể đi ngược trong thời đại 4.0.
Ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc Đối ngoại cấp cao khu vực miền Bắc Công ty cổ phần Tiki (Tiki) nhận định, với một nền tảng hạ tầng viễn thông ở Việt Nam gồm việc phổ cập 4G của hầu hết các nhà mạng, internet cáp quang được trải khắp tới mọi vùng miền của đất nước và hơn 100 triệu thuê bao di động; trong đó, có khoảng 45 triệu người đang sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) như hiện nay là những điều kiện không chỉ đủ mà còn rất tốt để phát triển các hoạt động mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online... Điều đó cũng chứng tỏ khả năng thích nghi, tốc độ hội nhập của nền kinh tế Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa về công nghệ.
Bằng những lợi thế như tăng nhanh quá trình lưu thông tiền và hàng hóa; hạn chế rủi ro so với thanh toán bằng tiền mặt, lại vừa nhanh chóng, tiện lợi, an toàn bảo mật thông tin và linh hoạt về phương thức thực hiện, thị trường thương mại điện tử chắc chắn sẽ "bùng nổ" trong tương lai rất gần, bắt kịp xu thế chung của thế giới.
Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế như vậy, nhưng việc thanh toán trực tuyến, mua sắm online và sự phát triển của thương mại điện tử vẫn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người. Nhất là các doanh nghiệp nội địa hoạt động trong lĩnh vực này như Công ty cổ phần Tiki hay Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (Sendo)...
Ông Quyền thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân, chính là còn thiếu nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển; có sự lệch pha giữa thương mại điện tử với việc thanh toán online và còn thiếu các giải pháp thanh toán trực tuyến đủ độ tin cậy để đáp ứng cho thị trường này.
Từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Quyền cho biết, Tiki là một doanh nghiệp do chính những người Việt sáng lập và điều hành. Hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Tiki đã tạo dựng được thương hiệu của mình và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Hàng năm, với tốc độ tăng trưởng luôn từ 2 con số, Tiki đã cung cấp dịch vụ và hàng hóa với hơn 10 triệu sản phẩm từ hơn 26 nhóm ngành hàng tới tay hàng triệu khách hàng trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trong khoảng 4,5 đến 5 triệu đơn hàng mỗi tháng như hiện nay thì số lượng thanh toán online chỉ chiếm 40%, còn lại 60% là thanh toán tiền mặt. Đây là khoảng cách rất lớn nếu so sánh với mặt bằng chung của các nước trong khu vực và thấp hơn so với mức trung bình chung là 85% như ở Indonesia và Malaysia.
Ngoài sự lệch pha giữa giao dịch trực tuyến và việc thanh toán online, bản thân Tiki còn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khi tiếp cận vốn vay, ưu đãi lãi suất để mở rộng quy mô hoạt động. Ông Quyền cho hay, vẫn chưa có những chính sách và cơ chế tài chính thông thoáng mang tính động lực để doanh nghiệp thương mại điện tử trông vào đó mà nỗ lực phấn đấu hay tự tin lấy đó làm chỗ dựa để mạnh dạn tăng cường đầu tư.
Ông Đào Dương Thành, Giám đốc Phát triển kinh doanh - Kênh Dịch vụ Công nghệ thông tin của Công ty cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca cho biết, nền kinh tế internet tại Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ với 61 triệu người đang sử dụng thiết bị di động truy cập internet để giao tiếp, học tập, giải trí, mua sắm và tìm kiếm thông tin... Thời gian online trung bình của người Việt Nam tới 3 giờ 12 phút mỗi ngày gần tiệm cận tới mức trung bình của thế giới là 3 giờ 13 phút.
End of content
Không có tin nào tiếp theo