Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch
Giá xăng tăng sau nghỉ lễ? / Đà Nẵng: Nhu cầu tìm kiếm và giao dịch bất động sản có tốc độ phục hồi cao
Nếu ví nền kinh tế như một cơ thể, thì các nguồn vốn chính là những dòng máu để nuôi sống cơ thể. Khi có một tế bào xấu xuất hiện nó có thể không chỉ gây hại cho một bộ phận, mà có thể còn khiến cho cả cơ thể bị ảnh hưởng.
Thị trường tài chính đã chứng khiến những sự việc có thể xem đó là một vài khối u nhọt trong cơ thể. Giải pháp đặt ra là phải loại bỏ chúng để tránh ảnh hưởng đến cơ thể, chính là nền kinh tế nói chung.
Mới đây, tại "Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế", một thông điệp xuyên suốt được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh ai vi phạm thì bị xử lý, cùng với đó là tạo mọi thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường vốn có hoạt động lành mạnh, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật.
Các cơ quan chức năng khuyến nghị nhà đầu tư cần tỉnh táo, không bị tác động bởi các tin đồn thất thiệt, chưa được kiểm chứng, theo dõi sát thông tin từ các nguồn chính thống. (Ảnh minh họa)
Những sai phạm vừa xảy ra trên thị trường không phải đại diện cho toàn bộ thị trường và các động thái xử phạt các vi phạm nhằm thanh lọc môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo tính công khai, minh bạch, từ đó giúp thị trường vốn có được sự phát triển bền vững, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, rộng hơn là cả thị trường. Như vậy, dòng vốn cho các hoạt động kinh tế mới được thông suốt và bền vững.
Thực trạng phát triển các kênh huy động vốn
Tại Việt Nam có 3 kênh dẫn vốn chính cho các doanh nghiệp, thường được ví như 3 chân kiềng: tín dụng ngân hàng, cổ phiếu và trái phiếu.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2021, quy mô kênh tín dụng, tức vốn vay ngân hàng, chiếm khoảng 124% GDP, thị trường cổ phiếu bằng gần 94% GDP. Còn thị trường trái phiếu là gần 40% GDP, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ. Trong đó, riêng trái phiếu doanh nghiệp chiếm 14,2% GDP.
Nếu so sánh với một số nước trong khu vực, phần trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khá khiêm tốn, như ở Thái Lan, trái phiếu doanh nghiệp chiếm 25% GDP, Singapore 38% và Malaysia là 56%.
Nhìn lại chiếc kiềng 3 chân này, tín dụng ngân hàng chủ yếu huy động nguồn vốn ngắn hạn từ tiền gửi của người dân, nhưng lại đang được sử dụng để cho vay trung và dài hạn nhiều. Trong khi đó, những kênh dẫn vốn trung và dài hạn như cổ phiếu, trái phiếu vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Kiểm soát chặt tung tin đồn trên thị trường chứng khoán
Bên cạnh phát hiện xử lý các vụ việc liên quan đến một số cá nhân có hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán, phát hành chui cổ phiếu..., các cơ quan, bộ, ngành khác như, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an cũng đã vào cuộc. Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can bắt tạm giam một số đối tượng tung tin đồi thất thiệt ảnh hưởng xấu đến thị trường. Đây cũng là nội dung cần được quan tâm lúc này, bởi tình trạng tràn lan tin đồn sai sự thật đã làm gây hoang mang dư luận, làm giảm lòng tin của nhà đầu tư.
Ngày 15/4 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Đặng Như Quỳnh để điều tra về hành vi "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước".
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Đặng Như Quỳnh có hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tải các bài viết, thông tin chưa được kiểm chứng. Việc này đã khiến vốn hóa của sàn Sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh mất hơn 265.000 tỷ đồng chỉ trong 3 ngày từ 6 - 8/4/2022. Bộ Công an khẳng định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát các hành vi có dấu hiệu gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán.
"Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung rà soát, phát hiện và có thể khẳng định, mọi tài khoản mạng xã hội, mọi hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng trên không gian mạng đều đang được lực lượng Công an rà soát; kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính và hình sự đối với những đối tượng có hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh", Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Bộ Công an, nhận định.
Đại diện Bộ thông tin và Truyền thông cho biết, các bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội liên quan đến các hoạt động như: bắt giữ, xử lý cá nhân, doanh nghiệp vô căn cứ, gây tác động xấu tới dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư cũng sẽ bị xử lý nghiêm.
"Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, đối với doanh nghiệp trong nước và nó ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự ổn định của nền kinh tế đất nước. Chúng tôi đã phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng và yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ ngay những thông tin thất thiệt như vậy", ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho hay.
Các cơ quan chức năng cũng khuyến nghị nhà đầu tư cần tỉnh táo, không bị tác động bởi các tin đồn thất thiệt, chưa được kiểm chứng, theo dõi sát thông tin từ các nguồn chính thống.
Một số vụ việc vi phạm liên quan đến giao dịch chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp gần đây không đại diện cho toàn bộ thị trường. Việc xử lý kịp thời các vi phạm đó là nhằm mục tiêu phát triển thị trường vốn an toàn, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư. Việc xử phạt nghiêm minh sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trở thành kênh vốn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tạo nguồn lực mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Hiện kênh vốn này đã chiếm tới 14,2% GDP, tăng trưởng gần gấp 3 lần so với con số 4,93% GDP của năm 2017.
Chính phủ đặt mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng lên, chiếm 20% GDP trong 2025. Dù với tốc độ phát triển này, dư địa để mở rộng kênh vốn này vẫn còn rất lớn.
Thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp
3 năm qua, khối lượng phát hành bình quân của trái phiếu doanh nghiệp là 467.000 tỷ/năm, đặc biệt năm 2021 phát hành lên tới 630.000 tỷ.
Dù khối lượng và giá trị phát hành ngày một tăng, nhưng tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng vẫn chiếm một tỷ lệ khiêm tốn, chỉ khoảng 8% còn lại 92% vẫn là trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Một sản phẩm mà tất cả các thành phần đầu tư đều có thể tham gia, tỷ lệ lại hạn chế. Một sản phẩm chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp được tham gia lại đang chiếm tỷ lệ vượt trội.
Tại Việt Nam có 3 kênh dẫn vốn chính cho các doanh nghiệp, thường được ví như 3 chân kiềng: tín dụng ngân hàng, cổ phiếu và trái phiếu. (Ảnh minh họa)
Người không chuyên "biến" thành người chuyên nghiệp để tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Một số đơn vị bán trái phiếu sẵn sàng "vẽ" ra nhiều cách lách quy định.
"Nếu làm một giấy xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ phải mất phí 5 triệu. Giấy đó bọn em làm luôn cho chị", nhân viên tư vấn trái phiếu cho biết.
Theo quy định, nhà đầu tư chuyên nghiệp phải có tối thiểu 2 tỷ đồng vốn trong tài khoản giao dịch. Một số công ty chứng khoán đã lách luật bằng cách chỉ yêu cầu người dân mở tài khoản có tiền, còn công ty chứng khoán sẽ đứng ra giao dịch cho khách hàng đủ 2 tỷ đồng để đủ điều kiện chứng nhận. Mức phí từ 2,5 - 8 triệu đồng tùy nơi.
Còn nếu không muốn mất phí, người dân vẫn có thể mua trái phiếu, bằng cách núp bóng một nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Tọa đàm "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, bền vững" phát sóng ngày 1/5, với sự tham gia của ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính; GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc Hội; ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ cùng bàn về những giải pháp thiết thực, hướng đến mục tiêu giúp thị trường vốn được khơi thông, tạo sức bật cho nền kinh tế. Mời quý vị theo dõi video trên!
End of content
Không có tin nào tiếp theo