Phó Chủ tịch VINASME: Độ mở của chính sách hỗ trợ, phát triển DNNVV còn quá ít
DNVN - Theo TS. Phạm Huy Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kinh tế tư nhân, mà trong đó các DNNVV chiếm tỷ trọng lớn, vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng...
97 doanh nghiệp phải tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa / Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 414.000 tỷ đồng
Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 diễn ra mới đây, TS. Phạm Huy Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã trình bày bài tham luận, trong đó nêu một số kiến nghị để thúc đẩy kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển.
Dưới đây, Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam xin phép đăng lại toàn bộ bài tham luận của TS. Phạm Huy Hùng:
Thời gian qua, mặc dù đã có một số cơ chế, chính sách, biện pháp để phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), mà các DNNVV chiếm tỷ trọng lớn, nhưng KTTN vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Chúng tôi cho rằng có 03 nguyên nhân cơ bản sau:
Một là, giữa lý luận và nhận thức đối với phát triển KTTN hỗ trợ thúc đẩy DNNVV phát triển vẫn có khoảng cách, dẫn đến khuôn khổ pháp lý và thiết kế, thực thi các cơ chế chính sách khuyến khích KTTN, DNNVV chưa đồng bộ, chưa tạo bước đột phá trong phát triển KTTN.
Hai là, môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, thủ tục kinh doanh giảm, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, chi phí kinh doanh còn cao (cả chính thức và không chính thức, doanh nghiệp vẫn phải lót tay nhiều), sự nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn còn khá, sự bình đẳng trong cạnh tranh và tiếp cận các nguồn lực (vốn, đất đai, logictic, điện nước, thông tin) của DNNVV còn nhiều hạn chế. Những vấn đề này làm cho giá thành cao, hiệu quả và khả năng sinh lời thấp; hạn chế sự phát triển, năng lực cạnh tranh của các DNNVV.
Ba là, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTN còn hạn chế, dẫn đến một số chủ trương, chính sách chậm đi vào cuộc sống và hiệu quả thấp. Ví dụ, luật hỗ trợ cho DNNVV có hiệu lực từ 1.1.2018, có 8 nội dung hỗ trợ được quy định từ Điều 8 đến Điều 15, đến nay đã 16 tháng, về cơ bản các DNNVV chưa tiếp cận được các ưu đãi này). Vừa qua, Bộ Tài chính có dự thảo trình Quốc Hội họp thông qua tháng 5/2019 về một số chính sách thuế TNDN hỗ trợ, phát triển DNNVV, chúng tôi thấy độ mở quá ít và chưa đúng với tinh thần của Luật hỗ trợ DNNVV.
TS. Phạm Huy Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, nhằm thúc đẩy và xác định KTTN (chủ yếu là DNNVV) phát triển, là động lực quan trọng của nền kinh tế, là một trong ba nòng cốt phát triển kinh tế độc lập tự chủ, Hiệp hội DNNVV Việt Nam xin đề xuất giải pháp và kiến nghị với Chính phủ, bộ ngành một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách thể chế một cách mạnh mẽ, đảm bảo các luật định, các văn bản hướng dẫn thực thi luật đồng bộ thống nhất; gỡ bỏ các điều kiện, quy định, các giấy phép con không cần thiết, không phù hợp; tránh tình trạng thiếu, chậm ban hành hướng dẫn luật, sẽ tạo khó khăn và rủi ro cho KTTN; đổi mới chất lượng khâu ban hành pháp luật, cơ chế, chính sách cần mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu, thống nhất cách hiểu từ TW đến địa phương, để giảm áp lực cho doanh nghiệp; các luật định, cơ chế, chính sách xây dựng, ban hành phải với tâm thức xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, tạo nhiều xung lực, nội lực để hỗ trợ, thúc đẩy KTTN, DNNVV phát triển mạnh mẽ trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, cần được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển Quốc gia trong những năm tới. Đặc biệt hiện nay, phần lớn DNNVV bị "suy dinh dưỡng" và có sức đề kháng yếu, cần Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm hỗ trợ nhiều hơn.
Thứ hai, áp dụng mạnh mẽ chính phủ điện tử và chính phủ số ở mọi lĩnh vực để hiện đại hóa thủ tục hành chính, hạn chế tham nhũng, tăng cường tính minh bạch trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách. Đây cũng là những biện pháp để các doanh nghiệp ở các địa phương có điều kiện phát triển.
Thứ ba, rà soát quy trình, điều kiện, theo hướng đơn giản hơn để KTTN, DNNVV tiếp cận được nguồn lực: mặt bằng sản xuất kinh doanh, vốn tín dụng (đặc biệt vốn trung và dài hạn), quỹ bảo lãnh tín dụng với chi phí hợp lý, đề nghị sớm triển khai quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV giao qua 1 hoặc 2 ngân hàng thương mại để thực hiện, giao Hiệp hội DNNVV VN là thành viên hội đồng quản lý, tổ chức, giám sát thực hiện quỹ này; thực hiện ưu đãi chính sách thuế TNDN theo luật, chúng tôi đề nghị cho thực hiện: DNSME có thu nhập chịu thuế dưới 10 tỷ đồng/ 1 năm, được nộp 10%; DNNVV có thu nhập chịu thuế từ 10 tỷ đến 300 tỷ/ 1 năm được nộp 15%; chính sách hỗ trợ thuế này, đề nghị cho thực hiện ổn định từ 3 đến 5 năm.
Đề nghị thực hiện nhiều hơn hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công, cho phép các DNNVV được tham gia đấu thầu các hạng mục, công trình, dự án lớn để từng bước nâng tầm, tạo điều kiện, cơ hội để các DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tiềm năng thế mạnh của mình, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Thứ tư, cải tiến căn bản quản lý nhà nước đối với KTTN theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, theo hướng:
Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện để KTTN phát triển lành mạnh và đúng hướng. Giám sát, phòng chống các biểu hiện của “chủ nghĩa thân hữu”, lợi ích nhóm thao túng, trục lợi chính sách.
Tạo môi trường thuận lợi (thông qua các chính sách tài chính) để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết thành các hộ kinh doanh lớn, hoặc thành doanh nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện để KTTN góp vốn, tham gia chuỗi giá trị vào tập đoàn kinh tế nhà nước, các DN có vốn ĐTNN.
Thứ năm, Nghị quyết 10 Hội nghị 5 BCH TW Đảng khóa 12 và NQ số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ, chúng tôi thấy rất trúng, rất đúng. Nhưng thực tế nhiều Bộ, Ngành, địa phương chưa có chương trình hành động có tính đột phá, kết quả cụ thể hữu hiệu để thật sự thúc đẩy KTTN phát triển còn hạn chế.
Chúng tôi đề nghị Đảng, Chính phủ, các Bộ, Ngành và địa phương cần có mục tiêu, chương trình hành động, tiêu chí cụ thể từng năm để hỗ trợ phát triển khu vực KTTN: Về quy mô, chất lượng, sức khỏe, hiệu quả hoạt động, cơ cấu ngành nghề, giá trị gia tăng, tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, liên kết với các đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp FDI, sử dụng lao động (trình độ kĩ năng), thu nhập và các chế độ phúc lợi xã hội của người lao động.
Có chỉ tiêu theo dõi, đánh giá hàng năm đối với khu vực KTTN, doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng, phát triển, thành công hay thất bại, để có giải pháp, chính sách, chương trình hành động tích cực, thiết thực hơn tiếp tục thúc đẩy khu vực KTTN phát triển.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xu hướng tiêu dùng xăng E5 ngày càng giảm
Giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng cao trong 3 năm tới
AWS dự kiến đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Thái Lan
Việt Nam SuperPort cùng đối tác hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt, nâng cao năng lực thương mại quốc tế
Bộ Công Thương dẫn đầu các bộ về phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024
Cột tin quảng cáo