Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia: Doanh nghiệp làm sao có thể "lobby" được 500 ĐBQH
DNVN - Chiều 10/6, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chủ trì họp báo về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 414.000 tỷ đồng / Nhiều rào cản tại kênh bán lẻ hiện đại đối với hàng Việt
Sẽ tăng chế tài xử phạt
Tổng thư ký Quốc hội cho rằng: Thời gian qua có hiện tượng hiểu chưa đúng về việc Quốc hội cho ý kiến đối với các phương án mà Ban soạn thảo đề nghị trong dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có phương án xử lý người điều khiển phương tiện giao thông mà trong hơi thở hoặc trong máu có nồng độ cồn.
Phương án 1 là cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn, Phương án 2 là cầm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. (Ảnh: Dân trí)
Kết quả lấy ý kiến đại biểu bằng bảng điện tử cho thấy, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không nhất trí với cả hai phương án, mà muốn áp dụng theo đúng Luật Giao thông đường bộ. Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng đã quy định rất cụ thể từng mức phạt tiền, thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe với từng mức độ vi phạm khi điều khiển phương tiện giao thông trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Bộ Luật Hình sự cũng có quy định rất rõ, người nào tham gia giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Hôm 04/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn vì luật hiện hành đã quy định. Tuy nhiên, bức xúc trước tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe vừa qua nên cơ quan soạn thảo của Chính phủ cũng như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu đề nghị tăng chế tài như cấm tài xế uống rượu, bia khi lái xe.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình xây dựng luật, có nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội xin ý kiến để có cơ sở tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý hoàn thiện trước khi được thông qua.
Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ: Quốc hội sẽ ra quyết định, trong đó có nội dung đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 46/2016/NĐ-CP theo hướng tăng chế tài nặng hơn, như tăng mức xử phạt tiền, thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe dài hơn để tăng tính răn đe.
Doanh nghiệp làm sao có thể "lobby" được 500 ĐBQH
Tại buổi họp báo, các phóng viên có đặt vấn đề về việc dư luận phản ánh có ĐBQH được DN sản xuất rượu, bia mời đi nước ngoài tham quan và khi về nước có những phát biểu mang tính chất bảo vệ ngành sản xuất rượu, bia.
Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi thẳng thắn chia sẻ: "Dự án luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được giao cho một Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội khác chủ trì chứ không phải tôi. Tôi cũng được nhiều doanh nghiệp mời dự hội thảo về rượu bia nhưng tôi chưa dự cuộc nào hết".
Theo ông Lợi, về mặt nguyên tắc, ĐBQH không được có lợi ích nhóm, để “DN mời đi nước ngoài với tính chất nghiên cứu” rồi sau đó lại thực hiện lobby.
“Nếu anh đi theo đường do DN và các tổ chức mời thì đó không phải nghiên cứu chính sách và QH cũng không cho phép”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, có thể vài đại biểu đi khảo sát nhưng nếu nói về việc vận động thì làm sao có thể "lobby" được gần 500 ĐBQH.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh nguyên tắc, quy trình xây dựng luật rất chặt chẽ và phải cân bằng đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, nhà nước
Minh Thu (Tổng hợp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo