Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh: "Thanh toán điện tử là xu hướng phát triển tất yếu"
Bước vào cao điểm nắng nóng, sẽ lấy ý kiến người dân về mẫu hóa đơn tiền điện mới / Nhiều rào cản tại kênh bán lẻ hiện đại đối với hàng Việt
Đó là nhận định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam" diễn ra sáng 11/6 tại TPHCM.
Hội thảo với chủ đề “Xã hội không tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, thanh toán bằng tiền mặt trên toàn thế giới vẫn có khuynh hướng tăng bất chấp xu hướng mở rộng của thanh toán điện tử. Tuy nhiên, một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới.
Vì sao Chính phủ các nước đều rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán điện tử?.
Giải thích cho câu hỏi trên, ông Nguyễn Kim Anh cho rằng, thanh toán không tiền mặt có nhiều lợi ích cơ bản. Theo đó, với người tiêu dùng, thanh toán điện tử giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn. Với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng tập khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế; thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm...
"Có thể thấy thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính", Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cũng cho biết, qua đánh giá của hải quan TPHCM, doanh nghiệp rất hưởng ứng việc thu thuế điện tử do có thể nộp thuế mọi lúc mọi nơi.
Chính việc tiện lợi của thu thuế điện tử, hàng hóa có thể được thông quan ngay, giúp doanh nghiệp tiếp kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí. Đồng thời, các dữ liệu bộ hồ sơ hải quan được kết nối qua ngân hàng sai sót rất ít.
"Trong chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành tăng cường cải cách. Hai ngành ngân hàng, tài chính đã chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp là đơn vị thụ hưởng vẫn chưa sẵn sàng từ nguồn nhân lực đến trang thiết bị. Hiện còn 9% doanh nghiệp nộp thuế tại kho bạc, do đó cần phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tốt hơn nữa", ông Thắng nói.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank, lượng ủy thác thanh toán dịch vụ công, điện nước chiếm 75%, trong đó 80% ủy thác qua online. Điều này cho thấy xu hướng của người dân chọn thanh toán sao cho nhanh nhất, tiện ích nhất.
Ông Tâm cho rằng, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cơ quan chức năng nên nghiên cứu cơ chế để cho phép Kho bạc nhà nước mở tài khoản thu tại các ngân hàng thương mại. Khi mở tài khoản thu thì việc thanh toán sẽ đảm bảo nhanh, tránh những sai sót. Ông Tâm cũng kiến nghị NHNN sớm cho phép triển khai định danh khách hàng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Bước đầu, có thể hạn mức thanh toán ở mức 5-10 triệu đồng/ngày.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng "bật mí" những con số ấn tượng về thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong năm 2018.
Theo đó, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỷ USD/ngày), tăng trưởng 25% so với năm 2017; Giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017.
Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.
Trước xu hướng "không dùng tiền mặt" đang là tất yếu, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng cảnh báo về những quan ngại. Theo đó, những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng... Đây là điều mà các Cơ quan quản lý của Việt Nam đang và sẽ rất lưu tâm trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt.
Với phương châm chủ đạo lấy khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN4.0 làm nhân tố quyết định, Thống đốc NHNN đã Việt Nam đề ra một số định hướng để phát triển "xã hội không dùng tiền mặt". Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số...
Ngày không tiền mặt – 16/6 là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ. Đây là thời điểm bắt đầu vào mùa du lịch, mua sắm giữa năm.
Trong tháng 6/2019, đặc biệt vào ngày 16/6, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà bán lẻ… sẽ có những chương trình ưu đãi đặc biệt cho khách hàng khi mua sắm không dùng tiền mặt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'