Quảng Nam: Nuôi tôm thẻ chân trắng thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi vụ
Vụ nuôi tôm vừa rồi, gia đình anh Đinh Văn Sang, ở thôn Thuận An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thu hoạch 6 tấn tôm thẻ chân trắng. Theo anh Sang, nuôi tôm nhiều năm nhưng chưa bao giờ được mùa, được giá như vụ nuôi năm nay. 1 kg tôm thẻ chân trắng giá bán ra thị trường từ 170.000 - 180.000 đồng, trừ chi phí, vụ này gia đình anh Sang còn lãi 500 triệu đồng.
Theo anh Sang, nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt, vốn đầu tư ban đầu gấp 2 - 3 lần so với nuôi tôm trong ao đất, nhưng tôm ít dịch bệnh, người nuôi có thể thu hồi vốn nhanh chỉ sau 2 vụ.
“Trước đây chạy xe kinh tế chưa ổn định thấy nuôi tôm hiệu quả thì mình về kinh doanh nuôi tôm. Vụ vừa rồi hiệu quả. Chúng tôi mới thu hoạch vụ tôm cách đây mấy ngày. Nhờ nuôi tôm cuộc sống gia đình cũng khấm khá lên phần nào đó. Ao nuôi cỡ 2,5 sào nhưng vụ vừa rồi thu hoạch được gần 6 tấn tôm” - anh Sang nói.
Cũng như hộ anh Sang, anh Nguyễn Văn Thịnh ở xã Tam Giang huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho hay, mấy năm trước nuôi tôm thua lỗ, nhưng năm nay nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật cộng với thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt cao, bà con rất phấn khởi. Hiện, anh Thịnh đầu tư 2 hồ nuôi tôm lót bạt trên diện tích gần 1.500 m2, trung bình mỗi năm anh thả nuôi 3 vụ tôm, sau 3 tháng cho thu hoạch một lần.
“Gia đình nuôi tôm được 5 năm rồi. Vụ vừa rồi nuôi tôm trên bạt đem lại kinh tế cho gia đình tương đối ổn định có nhiều bước phát triển và hiệu quả rất cao. Nuôi tôm trên bạt 1 năm 3 vụ, ổn định thì thu 1 vụ từ 400 - 500 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 300 triệu đồng” - anh Thịnh chia sẻ.
Huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có gần 4.000 hộ nuôi tôm, trên diện tích hơn 1.500 ha, trong đó khoảng 300 ha là nuôi tôm lót bạt. Nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu từ khi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Để giúp người dân nuôi tôm hiệu quả cao, các ngành chức năng huyện Núi Thành đã hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật cải tạo ao hồ, chọn con giống, quản lý môi trường và dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Những năm gần đây, một số hộ dân tiếp thu được kỹ thuât, một số mô hình đã có kết quả. Đặc biệt quy trình nuôi theo chương trình kỹ thuật của các tập đoàn kinh tế hướng dẫn. Chúng tôi đang định hướng cho người dân học những mô hình này để làm sao đó chất lượng nuôi đảm bảo hơn. Trên địa bàn huyện Núi Thành có những hộ bắt đầu đầu tư nuôi tôm công nghệ cao cho nên chất lượng khá tốt.”
Tỉnh Quảng Nam có hơn 3.500 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích tôm nuôi chiếm từ 70 đến 80%, sản lượng tôm nuôi hàng năm đạt từ 13.000 - 14.000 tấn. Vùng nuôi tôm tập trung chủ yếu ở các huyện: Thăng Bình, Núi Thành, thành phố Tam Kỳ.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết: tôm thẻ chân trắng có thời gian sinh trưởng ngắn từ 2 - 3 tháng, năng suất đạt cao; là đối tượng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn so với tôm sú. Tuy nhiên, bà Tâm cho rằng: cần phải quản lý chặt chẽ các trại tôm giống để bảo đảm chất lượng cung cấp cho các hộ nuôi; đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch con giống.
“UBND tỉnh đã phê duyệt phương án nuôi trồng thủy sản vùng đông, xác định được vùng nuôi thủy sản lâu dài đến năm 2030 và vùng nuôi ngắn hạn và đề ra các giải pháp cho các vùng nuôi lâu dài hướng đến việc nuôi trồng thủy sản tập trung, nuôi thâm canh, công nghệ cao. Thực tế hiện nay người dân cũng đã nâng cấp hạ tầng và xây dựng công trình nuôi lót bạt. Chính vì năng suất rất cao. Con giống chất lượng quản lý môi trường nước cơ bản đảm bảo, năng suất tương đối ổn định” - bà Tâm cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương