Quảng Ngãi: Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng mùa nắng hạn
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu nước tưới trong mùa nắng (vụ sản xuất Hè Thu), chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã khuyến khích các địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Hòa Bình: Thanh niên xứ Mường vừa trồng vừa dấm 10.000 chai ớt bán hết veo / Đắk Nông: Diện tích trồng bơ vượt quy hoạch
Nuôi vịt chạy đồng lấy trứng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN
Ông Lê Quang Nam, ở thôn Chú Tượng, xã Đức Hiệp, cho hay, gia đình ông được chính quyền cho thuê 7 sào ruộng để nuôi vịt đẻ trứng. Với diện tích này ông thả nuôi 3.000 con vịt, sau 3 tháng vịt bắt đầu đẻ trứng. Ngày nào ông cũng có trứng để nhập cho các tiểu thương ngoài chợ. Tính ra mỗi tháng sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về khoảng 20 triệu đồng. Nếu so sánh với nuôi bò hay trồng lúa thì khỏe và thu nhập cao hơn nhiều.
Sau một năm thực hiện chuyển đổi và phát triển mô hình, xã Đức Hiệp đã có 5 hộ dân tham gia nuôi vịt lấy trứng. Hiện tại UBND xã đang tiếp tục quy hoạch những diện tích đất lúa kém hiệu quả thành điểm chăn nuôi vịt tập trung quy mô lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân.
Ông Phạm Bá Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp, cho biết, UBND xã đang quy hoạch diện tích đất trồng lúa dọc sông Vệ và sông Thoa để chuyển đổi thành những điểm chăn nuôi vịt tập trung nhằm góp phần nâng tổng đàn vịt trên địa bàn xã, góp phần giải quyết việc làm nông thôn, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đang liên hệ với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tránh tình trạng ứ đọng sản phẩm.
Còn tại huyện Minh Long, ngay sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2018-2019, chính quyền huyện đã hướng dẫn nông dân chủ động chuyển diện tích đất trồng lúa ở những chân ruộng cao, không có nước tưới sang trồng các loại cây trồng khác như lạc, dưa hấu, trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi bò. Những loại cây này vừa chịu được hạn vừa góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Bà Đinh Thị Lý, xã Long Hiệp chia sẻ, cánh đồng này ngày trước là cánh đồng lúa. Nhưng mấy năm nay chính quyền định hướng dẫn cho bà con chuyển sang trồng các loại cây trồng cây hoa màu khác như lạc, đậu... cho năng suất cao, đến vụ lúa Đông Xuân thì lại trồng lúa, không bỏ đất hoang vụ Hè Thu như trước kia.
Trước tình trạng thiếu nước tưới như hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh yêu cầu các địa phương kiên quyết chuyển đổi những diện tích thiếu nước tưới sang cây trồng khác, thực hiện ngay từ đầu vụ, phải xây dựng kế hoạch và chuyển đổi theo quy hoạch, tránh tình trạng chuyển đổi tràn lan, tự phát làm phá vỡ quy hoạch.
Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, sở yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ diện tích trên địa bàn để bố trí cây trồng hợp lý, kiên quyết chuyển đổi những diện tích thiếu nước tưới sang cây trồng khác ngay từ đầu vụ, đặc biệt trong điều kiện nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước tưới cao như hiện nay; chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý và xây dựng phương án chống hạn; tiếp tục xây dựng các cánh đồng mẫu lớn để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất, giá trị cây trồng cho nông dân; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương trước khi chuyển đổi phải định hướng cho nông dân, không chạy theo diện tích mà phải chú trọng vào hiệu quả của việc chuyển đổi.
Các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn ngoài tiết kiệm nước tưới trong vụ Hè Thu, cho giá trị kinh tế hiệu quả hơn còn góp phần cải tạo và bổ sung dinh dưỡng cho đất. Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế thì nông dân phải tuân thủ theo quy hoạch. Bên cạnh đó, các địa phương, ngành nông nghiệp cũng cần tăng cường đẩy mạnh khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Theo Đinh Thị Hương/Dân tộc và Miền núi
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo