Quy định chỉ lấy hàng xăng dầu từ 1 nguồn gây khó khăn cho đại lý bán lẻ
DNVN - Góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, việc quy định đại lý xăng dầu chỉ lấy hàng từ 1 nguồn có thể gây khó cho đại lý trong việc bảo đảm có đủ hàng bán ra thị trường trong trường hợp xăng dầu khan hiếm như thời gian vừa qua.
Xăng dầu đồng loạt giảm giá / Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo thanh tra các công ty bảo hiểm
Hài hòa lợi ích giữa các bên
Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa gửi Bộ Công Thương văn bản góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo bộ này, thời gian qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu trên thị trường có một số bất ổn cục bộ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, dẫn tới doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.
Xăng dầu là mặt hàng liên quan mật thiết tới an ninh năng lượng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Việc điều hành giá xăng dầu cần bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tạo động lực, điều kiện để phát triển kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, việc điều hành giá xăng dầu cần bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, và người dân, tạo động lực, điều kiện để phát triển kinh tế.
Do đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị lựa chọn phương án 1 nêu tại dự thảo tờ trình. Đó là tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong quá trình kinh doanh; rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định các chi phí để có cơ sở điều chỉnh kịp thời.
Điều này bảo đảm phát huy vai trò quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân, giá xăng dầu có sự thống nhất giữa các địa bàn.
Về thời gian điều hành, công bố giá, tại dự thảo Tờ trình, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cùng nhận định chu kỳ điều hành giá 10 ngày như quy định tại Nghị định 95 hiện vẫn cơ bản phù hợp và không phải là nguyên nhân của việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu thời gian qua. Việc điều chỉnh chu kỳ điều hành giá xuất phát từ đề xuất của một số doanh nghiệp. Trong đó một số doanh nghiệp đề xuất rút ngắn chu kỳ điều hành giá, một số khác lại đề xuất quay trở lại chu kỳ điều hành giá 15 ngày.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá, kiểm tra thực tế để đề xuất chu kỳ điều hành phù hợp, tránh xảy ra hiện tượng như thời gian vừa qua.
Đánh giá tính khả thi
Theo quy định tại Luật Thương mại, đại lý là đơn vị được bên giao đại lý giao hàng để bán theo giá của bên giao đại lý và hưởng hoa hồng. Bên giao đại lý phải chịu trách nhiệm về chất lượng, giá bán hàng hóa tại các đại lý.
Xăng dầu là mặt hàng ở thể lỏng, yêu cầu cất trữ khác hàng hóa thông thường. Nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn, đựng chung trong cùng 1 bồn, bể chứa sẽ dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, giá bán xăng dầu, nhất là xác định trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố cháy nổ, gian lận thương mại...
Tuy nhiên, việc quy định đại lý xăng dầu chỉ lấy hàng từ 1 nguồn có thể dẫn đến những khó khăn cho đại lý trong việc bảo đảm có đủ hàng để bán ra thị trường trong trường hợp nguồn cung xăng dầu khan hiếm như thời gian vừa qua.
Do đó, đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá về tính khả thi đối với các phương án cho phép/không cho phép đại lý nhập hàng từ nhiều nguồn, cơ sở pháp lý điều chỉnh tương ứng mà vẫn bảo đảm khả năng kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc... của cơ quan quản lý Nhà nước, báo cao Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Giữ nguyên quy định về thương nhân phân phối
Khoản 4, Điều 7 Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp được tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng, từ một số điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9, Luật Đầu tư.
Do vậy, việc quy định thương nhân phân phối chỉ được lấy tối đa từ 3 thương nhân đầu mối là chưa phù hợp với các quy định nêu trên.
Do đó, đề nghị lựa chọn theo phương án nêu tại dự thảo Tờ trình. Đó là giữ nguyên quy định hiện hành về thương nhân phân phối. Ngoài ra, có thể nghiên cứu, xem xét bổ sung nghĩa vụ của các doanh nghiệp đầu mối trong việc duy trì, bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thương nhân phân phối khi nguồn cung trên thị trường gặp khó khăn.
Về quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư thống nhất với phương án 1 được nêu tại dự thảo Tờ trình, đó là giữ nguyên quy định hiện hành với doanh nghiệp đầu mối.
Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về cơ chế sử dụng xăng dầu dự trữ lưu thông bắt buộc. Khoản 23 Điều 1 Nghị định 95 quy định "cơ chế sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ bắt buộc thực hiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia và/hoặc theo chỉ đạo của Bộ Công Thương để phục vụ công tác bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường khi cần thiết".
Tuy nhiên, hiện Luật Dự trữ quốc gia mới quy định về việc sử dụng hàng dự trữ quốc gia mà chưa có quy định về việc sử dụng hàng dự trữ thương mại.
Thực tiễn thời gian qua, Bộ Công Thương chưa có chỉ đạo về việc sử dụng nguồn lực này. Do vậy, cần thiết phải bổ sung cơ chế sử dụng nguồn dự trữ bắt buộc để Bộ Công Thương căn cứ chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới.
Về quy đinh mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư thống nhất với đề xuất lựa chọn phương án 1 tại dự thảo Tờ trình là không quy định mức chiết khấu tối thiểu để bảo đảm quyền tự quyết và điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường từng thời điểm, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
Cột tin quảng cáo