Sản xuất, xuất khẩu dần khởi sắc trở lại
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ có thể đạt 14,5 tỷ USD trong năm 2023 / Thị trường bất động sản hướng về nhu cầu ở thực
Xuất khẩu có nhiều dấu hiệu tích cực
Theo Bộ Công Thương, với các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 8 tiếp tục khởi sắc. Trong tháng 8, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng 7,7% so với tháng trước, ước đạt 32,37 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, nhu cầu yếu, tăng trưởng chưa có sự đột biến nên so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 7,6%.
Do những khó khăn chung của thị trường thế giới từ đầu năm làm giảm cầu thế giới trong 8 tháng năm 2023 nên tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.
Trong 8 tháng năm 2023, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%).
Hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều lấy lại đà tăng trưởng so với tháng trước đó. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 8 với kim ngạch xấp xỉ 27,9 tỷ USD, tăng 7,8% so với tháng trước.
Mặt hàng máy ảnh, máy quay và linh kiện tăng mạnh nhất 79%, còn điện thoại và linh kiện tăng 15,7%. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 13,8% so với tháng trước, chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu gạo tăng trên 50%, ước đạt 582 triệu USD.
Một điểm sáng, đáng ghi nhận trong tháng 8 là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 8,7% cao hơn khu vực FDI và cao hơn so với mức tăng xuất khẩu chung cả nước.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu tăng trong tháng 8 cho thấy có những kỳ vọng về đơn hàng xuất khẩu phục hồi, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA.
Doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nỗ lực tìm kiếm đơn hàng
Một vài tháng trở lại đây, tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đang có dấu hiệu tích cực. Đóng vai trò là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 đã có nhiều tín hiệu lạc quan hơn. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tới hết tháng 7, xuất khẩu thủy sản chưa có xu hướng hồi phục rõ ràng, tuy nhiên sang đến tháng 8, kim ngạch thủy sản ước đạt 846 triệu USD, cao hơn hẳn so với những tháng trước. Riêng cá tra đạt khoảng 167 triệu USD, ghi nhận mức sụt giảm ít nhất trong 6 tháng. Xuất khẩu tôm tuy chưa đột phá nhưng 3 tháng gần đây có doanh số cao hơn hẳn so với những tháng đầu năm.
Bên cạnh các thị trường xuất khẩu chủ lực, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực khai thác thị trường khu vực Đông u, Trung Đông. Theo VASEP, ngoài việc khai thác thị trường ngách thì nhiều mặt hàng không phải thế mạnh của thuỷ sản Việt Nam lại bất ngờ tăng trưởng mạnh như cá nước ngọt, hàng thuỷ sản khô, hàng đóng hộp
Đại diện VASEP khẳng định lạm phát đã làm thay đổi nhu cầu của nhiều thị trường nhập khẩu. Các mặt hàng trên có giá phù hợp cho người tiêu dùng thu nhập trung bình hoặc thấp nên được ưa chuộng hơn. VASEP khuyến nghị, các doanh nghiệp thuỷ sản cũng nên tiếp tục năm bắt xu hướng này để gia tăng doanh thu.
Tương tự, ngành dệt may, da giày cũng đang có nhiều tín hiệu tích cực. CTCP Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận doanh thu thuần tháng 8 tăng 3% so với cùng kỳ năm trước lên 721 tỉ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, doanh thu tại TNG đạt 4.837 tỉ đồng, tăng 132 tỉ đồng so với năm ngoái, tương ứng 3%.
Hay tính đến thời điểm hiện nay, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công thông báo đã nhận khoảng 75% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý III/2023 và khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV/2023. Trong khi đó, theo dự báo của công ty, tình hình mua sắm mặt hàng dệt may các tháng cuối năm tốt hơn trước đó, tuy nhiên vẫn còn chậm do kinh tế thế giới chậm phục hồi cho đến hết năm nay.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, để vượt qua khó khăn thời gian qua, May 10 đã sử dụng mọi biện pháp, đặc biệt là trong nỗ lực tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng mới, cùng với đó, tập trung vào thị trường trong nước với 100 triệu dân. “Chúng tôi đã mở rộng thêm thị trường trong nội khối như thị trường ASEAN, trong 8 tháng vừa qua, chúng tôi mở thêm 2 thị trường là Thái Lan, Philipines, ngoài ra, Hàn Quốc và Canada thì trong 5 năm qua chúng tôi đang phát triển thêm, trong năm 2023, thị trường Hàn Quốc cũng là thị trường có tăng trưởng tốt đối với May 10”, ông Thân Đức Việt cho hay.
Một số doanh nghiệp da giày cũng đã nhận những tín hiệu tích cực hơn về tình hình đơn hàng. Các doanh nghiệp Việt đã cơ cấu nội lực để tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định trong Quý III, quý IV, doanh nghiệp đã tương đối đủ đơn hàng để sản xuất cũng như tạo được công ăn việc làm cho người lao động tương đối ổn định.
Các doanh nghiệp đang mong muốn gói kích cầu đầu tư nhanh chóng được triển khai để tiếp cận nguồn vốn, từ đó chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại. Cùng với những dự báo về sự phục hồi của thị trường truyền thống Âu - Mỹ, những thị trường ngách sẽ góp phần làm cho bức tranh xuất khẩu 2 quý cuối năm tươi sáng hơn.
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu… và tồn kho tại các nước đang giảm dần. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá.
Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật liên tục những thay đổi liên quan đến các chứng nhận sản xuất bền vững, sử dụng nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường và các trách nhiệm xử lý, tái chế hoặc sửa chữa sản phẩm để tránh bỏ lỡ cơ hội các đơn hàng giá trị cao từ các thị trường như EU, Mỹ…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao