Sẽ không có thực phẩm bẩn nếu cả "3 trụ cột" đều nâng cao trách nhiệm
DNVN - Nếu cả 3 trụ cột gồm: cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng đều làm tốt trách nhiệm của mình, thì chắc chắn, các tổ chức cá nhân muốn thu lợi bất chính từ việc kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn chắc chắn sẽ không xảy ra.
Dồn dập đón sóng FDI, bất động sản Bình Dương đứng trước cơ hội bùng nổ / Gần 16 tấn thịt heo không rõ nguồn gốc từ TP Hồ Chí Minh tuồn về Hà Tiên bị bắt giữ
Quyền người tiêu dùng gắn với trách nhiệm doanh nghiệp
Tại hội thảo "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 30/6 tại Hà Nội, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, có 3 trụ cột: người tiêu dùng, DN và cơ quan liên quan. Trong đó, DN đóng một vai trò quan trọng. Quyền của người tiêu dùng luôn luôn gắn liền với trách nhiệm của DN. Do đó, để làm tốt công tác bảo vệ người tiêu dùng phải kêu gọi sự đồng hành, vào cuộc của DN.
Trong thời gian vừa qua, Cục có rất nhiều hoạt động để thu hút sự tham gia của DN vào công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Các diễn giả tại hội thảo.
Theo đó, Cục xây dựng đề án chương trình DN vì người tiêu dùng với một bộ khung tiêu chí nói chung cho các DN và cho các ngành hàng cụ thể. Khung tiêu chí này sẽ giúp cho các DN tự tham gia và đánh giá lại hoạt động của mình có phù hợp với pháp luật bảo vệ người tiêu dùng hay không.
Cục cũng đã phối hợp với các địa phương, các Sở Công Thương tăng cường các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ người tiêu dùng cho DN. Tổ chức nhiều hội thảo, khóa đào tạo cho các DN trong công tác tập huấn về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng để DN nâng cao trách nhiệm của mình với người tiêu dùng.
Ngoài ra, Cục cũng đang được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dự thảo luật này có rất nhiều quy định, gắn kết trách nhiệm của DN.
Nỗ lực của doanh nghiệp
Đánh giá nỗ lực của DN trong thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Trong bối cảnh của hội nhập thời gian tới bắt buộc các DN phải đầu tư nâng cao công nghệ sản xuất.
"Tôi đánh giá cao những năm gần đây DN đã nâng cao đầu tư khoa học công nghệ trong chế biến thực phẩm. DN muốn đáp ứng thị trường và được thị trường chấp nhận thì DN phải thay đổi, đầu tư cho công nghệ nâng cao chất lượng và độ an toàn sản phẩm đây là nỗ lực của DN", ông Hùng nói.
Trên thực tế, nhiều DN trình độ công nghệ cao cũng "ngang ngửa" thế giới hiện nay, giúp người tiêu dùng có quyền được lựa chọn. Theo đó, người tiêu dùng hiện nay có nhiều lựa chọn. Chẳng hạn như mặt hàng sữa, đây là kết quả đầu tư khoa học công nghệ cao để sản phẩm đưa ra thị trường không những đa dạng mẫu mã mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, để quản lý an toàn thực phẩm, cần sự vào cuộc đồng bộ cơ quan quản lý nhà nước, DN, người tiêu dùng.
Từ năm 2021, Bộ Công Thương, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tăng cường rà soát website, gian hàng và những sản phẩm vi phạm an toàn thực phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm. Theo đó, đã khóa 200 gian hàng, trên 500 sản phẩm vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm, dược mỹ phẩm.
"Chúng tôi luôn đánh giá cao sự vào cuộc, đồng hành của các DN thương mại điện tử trong việc xây dựng hệ thống phân phối, bên cạnh hệ thống phân phối truyền thống là hệ thống hiện đại, để có thể chung tay trong công tác phân phối và cung cấp hàng hóa an toàn đến với người tiêu dùng", bà Huyền nhìn nhận.
Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, đối với những hành vi vi phạm trong an toàn thực phẩm, nguyên nhân, nguồn gốc sâu xa nhất là trách nhiệm.
Trách nhiệm ở đây là không phải chỉ của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn về cả phía các DN, người tiêu dùng. Nếu tất cả đều làm tốt trách nhiệm của mình, thì chắc chắn, các tổ chức cá nhân muốn thu lợi bất chính từ việc kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn chắc chắn sẽ không xảy ra.
Đối với cơ quan nhà nước, nếu làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, giảm sát và xây dựng cơ chế chính sách, thì rõ ràng xây dựng được nền tảng cho tất cả các DN, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt, sẽ không thể có những người đi sai con đường đó được.
Với DN, bản thân DN có sản phẩm tốt, được người tiêu dùng đón nhận rồi nhưng vẫn phải có trách nhiệm. Đó là hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh, luôn giữ sản phẩm tốt hơn, đồng thời nhanh chóng phát hiện được thực phẩm giả, kém chất lượng cũng như xâm phạm quyền và phải báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý vi phạm.
Để tăng hiệu quả kiểm soát an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Văn Chính - Phó Tổng giám đốc Công ty CP iCheck cho rằng, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại các giá trị cho DN. Đó là minh bạch thông tin, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất, quản lý các rủi ro. Đặc biệt, giúp DN tối ưu chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng thực phẩm, khi đó có cơ hội đế sản phẩm tiếp cận tốt thị trường. Khoanh vùng các rủi ro khi gặp sự cố, tránh các hàng giả, hàng nhái, đảm bảo uy tín trên thị trường.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo