Du lịch Đà Nẵng hồi phục nhanh nhưng còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức
Sớm thiết lập đường bay thẳng Việt Nam - Milan (Ý) / Đà Nẵng: Kêu gọi đầu tư viện dưỡng lão và bệnh viện quốc tế
Du lịch Đà Nẵng hồi phục ngoạn mục
Đến tháng 6/2022, Đà Nẵng đã có hơn 1.260 doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại, đạt tỷ lệ 70%; trong đó có 850/1.280 cơ sở lưu trú du lịch (chiếm gần 70% cơ sở lưu trú du lịch) với 33.000 phòng. Đặc biệt, cả 16 khu điểm du lịch, 210 đơn vị lữ hành, 170 đơn vị vận chuyển với 2.100 xe phục vụ du lịch, 18 tàu du lịch đều đã hoạt động trở lại hoàn toàn.
Phần lớn khách sạn ven biển Đà Nẵng đã mở cửa hoạt động trở lại.
Đáng chú ý, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành 6 tháng qua ước đạt 3.185 nghìn tỷ đồng, đẩy mức tăng doanh thu 6 tháng đầu năm nay lên đến 54,3% so cùng kỳ 2021 (bằng 76% cùng kỳ 2019 trước khi xảy ra dịch COVID-19). Công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần tại các khách sạn ven biển Đà Nẵng đạt 70 - 75%.
Lý giải về sự tăng trưởng đáng kể này, theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, là do Đà Nẵng thu hút được các phân khúc khách có khả năng chi trả cao như du khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch Golf, khách gia đình lưu trú tại các khách sạn 3 - 5 sao. Riêng về du khách MICE, từ ngày 21/2 – 20/6 (4 tháng), Đà Nẵng đã đón 25 đoàn với gần 13.000 lượt khách, tăng gấp 8 lần cùng kỳ 2021.
Cùng với đó, nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn đón được lượng khách lớn trong 6 tháng qua như Sun World Bà Nà Hills đón hơn 760 nghìn lượt khách, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm 2021; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đón hơn 210.000 lượt khách, tăng gấp 5 lần cùng kỳ năm 2021; Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón hơn 150.000 lượt khách…
Du lịch Đà Nẵng cũng được vinh danh là 1 trong 25 điểm đến được yêu thích nhất Châu Á năm 2022 do Trang TripAdvisor (website du lịch nổi tiếng thế giới của Mỹ) công bố; được Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) bình chọn là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI)...
5 khó khăn, thách thức và những kiến nghị
Kỳ vọng du lịch TP tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong dịp cao điểm hè và cuối năm 2022 nhưng Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, ngành du lịch TP đang phải đối mặt 5 khó khăn, thách thức. Trước hết là thời tiết cuối năm nay dự báo mưa bão nhiều và đến sớm. Cùng với đó là sự canh tranh sản phẩm mới và chính sách thu hút khách linh hoạt của các điểm đến trên thế giới và trong nước.
Giá nhiên liệu tăng đẩy giá thành dịch vụ lên cao, nhất là vé máy bay; thiếu nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân sự cấp cao, có tay nghề và kinh nghiệm do chưa yên tâm quay lại với nghề; nhu cầu du lịch quốc tế phục hồi chậm, một số thị trường tiềm năng chưa mở cửa hoàn toàn… cũng là những vấn đề đang đặt ra.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Quỳnh- Tổng Giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cũng âu lo sau khi kết thúc mùa du lịch nội địa thì du lịch Đà Nẵng sẽ dễ rơi vào tình trạng “đóng băng” trở lại vào mùa thấp điểm năm nay do các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Đài Loan… chưa mở cửa trở lại, Nhật Bản còn áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ nên lượng khách còn hạn chế…
Về giải pháp, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, ngành du lịch TP sẽ tiếp tục tập trung xúc tiến thị trường, khôi phục trở lại các đường bay quốc tế, khai thác thêm đường bay nối kết với các thị trường mới Ấn Độ, Philippines…; tổ chức giới thiệu Đà Nẵng đến các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia...; hỗ trợ Hiệp hội Du lịch hình thành các liên minh kích cầu, liên minh khai thác chuyên từng nhóm thị trường.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh cũng kỳ vọng việc nhiều đường bay quốc tế đến Đà Nẵng đang được khôi phục trở lại, nhiều hãng hàng không tham gia khai thác đường bay quốc tế đến Đà Nẵng như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin sẽ giúp ngành du lịch TP đảm bảo lượng khách trong mùa thấp điểm năm nay.
“Đặc biệt, Vietjet Air mở loạt 7 đường bay quốc tế mới kết nối Đà Nẵng với Singapore, Busan (Hàn Quốc) và 5 TP lớn, đông dân nhất Ấn Độ là New Delhi, Mumbai, Hyderabad, Ahmedabad, Bangalore được trông đợi sẽ góp phần đem lại nguồn khách đủ sức thay thế nguồn khách Trung Quốc, Đài Loan… vẫn chưa trở lại”, ông Nguyễn Đức Quỳnh nói.
Để du lịch tiếp tục khôi phục và phát huy hiệu quả, đóng góp vào phát triển kinh tế TP, tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng ngày 28/6, Giám đốc Sở Công Thương Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh đã đề xuất lãnh đạo TP có cơ chế hỗ trợ một phần ngân sách cùng với huy động xã hội hóa để xúc tiến khôi phục và mở thêm các đường bay quốc tế mới, triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến điểm đến tại các thị trường quốc tế trọng điểm, tiềm năng.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh cũng kiến nghị TP chủ động đăng cai tổ chức một số sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao của quốc gia và quốc tế. Đồng thời tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn tạo sản phẩm du lịch mới đặc sắc để thu hút khách, trước mắt là sớm triển khai giai đoạn 1 dự án “Dòng sông ánh sáng” trong năm 2022.
End of content
Không có tin nào tiếp theo