Thị trường

Sức sống của doanh nghiệp tư nhân góp phần vào tăng trưởng GDP quý I/2019

DNVN - Sức sống của doanh nghiệp tư nhân trong nước đã đóng góp nhiều vào tăng trưởng xuất khẩu, qua đó góp phần đưa mức tăng trưởng GDP trong quý I/2019 đạt 6,79%.

Làm ăn với đối tác quốc tế: Hiểu "luật chơi" để không đến “ngõ cụt” / Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam – Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Tại Hội thảo "Kinh tế vĩ mô Việt Nam - Kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định" do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào ngày 19/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết: Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2019 là Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%; thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD; mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%. GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn so với quý I/2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009-2017.
CPI bình quân tăng 2,63%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,83% cho thấy, điều hành chính sách tiền tệ vẫn ổn định và không gây áp lực lên mặt bằng giá.
Ngoài ra, tổng giá trị xuất khẩu đạt 58,86%, tăng 5,3%,; nhập khẩu đạt 57,45 tỷ USD, tăng 8%. Thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ 2018...
Chia sẻ với báo giới bên lề sự kiện, ông Nguyễn Anh Dương cho hay có được kết quả tăng trưởng GDP trong quý I năm nay như trên là do 3 nhân tố chính, trong đó có vai trò của doanh nghiệp tư nhân.
Ông Nguyễn Anh Dương phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Anh Dương phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Báo NDĐT)

Yếu tố thứ nhất là Chính phủ vẫn khẳng định quan điểm và đường hướng nhất quán của mình là duy trì phát triển kinh tế vĩ mô trong quý I trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định, có nhiều rủi ro, chủ nghĩa bảo hộ ở nhiều nơi và suy thoái của các nền kinh tế trên thế giới.
"Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô và trong nền ổn định kinh tế vĩ mô ấy mới tạo được môi trường ổn định, dễ tiên lượng được, thúc đẩy cho cải cách môi trường kinh doanh và ít nhiều trong quý I chúng ta đã thấy những thông điệp hay hành động đã được thực hiện", ông Dương nói.
Kết quả thực tế là xuất khẩu đạt mức chấp nhận được. Đâu đó vẫn có điểm chưa hài lòng sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực nhưng so với mặt bằng chung của thế giới thì kết quả xuất khẩu của Việt Nam chấp nhận được.
Thứ hai là sức sống của doanh nghiệp tư nhân trong nước đã đóng góp nhiều vào tăng trưởng xuất khẩu, và "đó cũng là mong muốn của chúng ta trong thời gian vừa qua".
Yếu tố chính thứ ba tác động đến tăng trưởng GDP quý I năm nay, theo ông Dương, là chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Mỗi % tăng của chất lượng chỉ số văn bản pháp luật do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đối với Việt Nam sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện 1,3 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, cán cân thương mại vẫn thặng dư dù không nhiều như năm ngoái và không gây áp lực với thị trường ngoại hối. Mặt bằng giá không gây áp lực trong thời gian vừa qua bởi mặt bằng giá tương đối ổn định, áp lực điều hành tiền tệ đối với lạm phát hầu như không có.
Đây là kết quả giải thích cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, để thấy Việt Nam không thực sự nới lỏng về chính sách tiền tệ và tài khóa. Tuy nhiên, những chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, chính sách tạo cơ hội nhiều hơn cho sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân ít nhiều tạo sức sống cho tăng trưởng, và đó cũng là điều Việt Nam đã làm được. Vấn đề là làm thế nào để duy trì được động lực cải cách, duy trì được cả sự tham gia và hưởng lợi của doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh thế giới mà nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rằng còn nhiều bất định.
"Có thể nói môi trường Việt Nam ổn định. Kinh tế vĩ mô có được cả yếu tố bên ngoài cũng như cách thức điều hành trọng tâm của Chính phủ. Trong bối cảnh đó tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy tương đối tốt", Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM kết luận.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm