Tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine tới kinh tế Việt Nam?
Nhập siêu gần 1 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm / Giá xăng tăng mạnh lên gần 27.000 đồng/lít, Bộ Công Thương nói gì?
Một tuần nay, thông tin chiến sự từ Ukraine đã trở thành những thông tin được cả kế thế giới quan tâm. Dịch bệnh chưa qua, chiến tranh đã lại ập tới.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước EU và đồng minh đã có nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có việc đóng cửa không phận đối với máy bay Nga, kể cả máy bay tư nhân.
Về phần mình, Nga cũng có biện pháp trả đũa tương tự. Hậu quả là đã có một sự gián đoạn các chuyến bay.
Tác động do đóng cửa không phận
Hình ảnh của Flightradar24.com, một website theo dõi đường bay cho thấy, nhiều máy bay đã phải chuyển hướng.
Ngày 28/2, Nga tuyên bố cấm chuyến bay của các hãng hàng không từ 36 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có toàn bộ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Các hãng hàng không sẽ chỉ có thể vào không phận Nga khi có giấy phép đặc biệt.
Sân bay quốc tế Sheremetyevo ở thủ đô Moscow, Nga. (Ảnh: SKY TRAX)
Đây là biện pháp trả đũa của Nga sau khi trước đó một ngày, EU thông báo bất kỳ máy bay nào do các hãng hàng không Nga vận hành cũng sẽ bị cấm hạ cánh, cất cánh từ lãnh thổ của EU hoặc bay qua lãnh thổ của EU, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp.
Canada cũng áp đặt biện pháp tương tự. Hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot đã hủy các chuyến bay đến Cuba, Cộng hòa Dominica, Mexico và Mỹ từ ngày 28/2 đến ngày 2/3 do không phận Canada bị đóng cửa.
Biện pháp cấm bay giữa Nga và các nước đã đẩy nhiều hành khách vào cảnh trái ngang. Một khách du lịch nước ngoài bỗng nhiên phát hiện mình không thể bay khỏi Nga trong khi visa sắp hết hạn.
"Visa của tôi sẽ hết hạn vào tối nay mà giờ tôi không thể ra khỏi Nga. Chúng tôi sẽ gặp vấn đề lớn", ông Jorge Enrique Moreno, người Tây Ban Nha, chia sẻ.
Một sinh viên nước ngoài và một doanh nhân người Nga cũng rơi vào tình cảnh khó khăn khi đi công tác và đi nghỉ.
"Các lệnh trừng phạt đã gây ra nhiều vấn đề. Tôi phải đi vào sáng nay nhưng không thể. Lẽ ra, tôi đã có chuyến bay thẳng, nhưng bây giờ chuyến đi của tôi sẽ mất hơn 20 giờ đồng hồ và nhiều khó khăn", ông Andrei, Nhà quản lý thể thao người Nga, nói.
"Chúng tôi định bay đi Paris và từ Paris đi Brazil. Nhưng giữa chuyến bay chúng tôi phải quay lại và đặt vé cho một địa điểm khác. Bây giờ chúng tôi sẽ đến Dubai, sau đó mới đi Brazil", anh Davi Ramos, sinh viên, cho biết.
Thay vì bay thẳng họ phải bay vòng, vừa mất thêm thời gian và có thể tốn thêm chi phí.
Đường bay của Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?
Cục Hàng không Việt Nam vừa có công văn gửi các hãng hàng không Việt Nam về việc hạn chế, đóng cửa vùng trời, sân bay tại Nga, Ukraine. Theo đó, việc đóng cửa không phận sẽ diễn ra tại Moldova, Ukraine và một phần vùng thông báo bay của Liên bang Nga.
"Theo thông tin chúng tôi nhận được, Ukraine thông báo đóng cửa toàn bộ không phận, còn Nga đóng cửa một phần không phận. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam bay đến Moscow chưa bị ảnh hưởng. Nếu bay đến các nước khác trong khối EU, như Pháp, Đức, Anh khi chiến sự lan rộng thì có thể có ảnh hưởng, còn hiện tại vẫn đang hoạt động bình thường.
Việc ảnh hưởng như thế nào thì phải tính toán đến đường bay không lưu. Hiện tại các đường bay không lưu chưa bị ảnh hưởng. Chúng ta chưa bay đến Ukraine mà bay đến Nga. Trong tương lai nếu chiến trường lan rộng nữa thì khả năng có thể bị ảnh hưởng vì một phần không phận của Nga sẽ bị đóng cửa", ông Đinh Việt Sơn, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, chia sẻ.
Về kế hoạch đưa công dân Việt Nam ở Ukraine về nước, ông Đinh Việt Sơn cho biết: "Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi cho các hãng hàng không Việt Nam tính toán phương án về tàu bay, về kỹ thuật, nhân lực, vật lực để sơ tán công dân đang mắc kẹt ở Ukraine.
Hôm qua chúng tôi đã họp với Bộ Ngoại giao và các bộ liên quan để tính toán bay sơ tán công dân như thế nào là hợp lý nhất. Đến nay, 3 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air đã báo cáo cục hàng không sẵn sàng thực hiện chuyến bay sơ tán công dân khi Chính phủ có lệnh. Chúng tôi cũng đề xuất với bộ ngoại giao, với công dân đang kẹt ở Ukraine, cần sơ tán sang các nước láng giềng, lúc đó chúng ta mới lập tổ hàng không để bay tới sơ tán công dân về nước".
Tác động của các biện pháp trừng phạt đối với Nga
Không chỉ trong ngành hàng không, một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây đối với các ngân hàng Nga đang được xem là cú đánh mạnh vào nền kinh tế, khiến các ngân hàng và công ty Nga khó tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế, đồng thời đang gây nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế của người dân Nga.
Nhiều người Nga đã xếp hàng chờ đợi bên ngoài các máy ATM trong ngày Chủ nhật (27/2) vừa qua, do lo lắng thẻ ngân hàng có thể ngừng hoạt động hoặc các ngân hàng hạn chế rút tiền mặt sau các lệnh trừng phạt mới của Phương Tây.
Người dân xếp hàng rút tiền từ một cây ATM của Ngân hàng Alfa ở thủ đô Moskva, Nga, ngày 27/2. (Ảnh: AP)
"Từ hôm thứ Năm đến giờ, mọi người đã chạy từ ATM này sang ATM khác để lấy tiền mặt. Một số người lấy được, một số thì không", anh Pyotr, người dân St. Petersburg, Liên bang Nga, nói.
Theo Ngân hàng Trung ương Nga, nhu cầu tiền mặt của các cá nhân và doanh nghiệp đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 3/2020, với hơn 1,4 nghìn tỷ Ruble được rút trong ngày 25/2. Khả năng bị ngắt kết nối SWIFT và ngừng sử dụng thẻ Master hay Visa ở Nga từng được tính đến, và lúc này đang gây xáo trộn với nhiều người.
"Sẽ tác động mạnh đến tôi.Tôi đã không sử dụng tiền mặt trong 5 năm. Tất cả ứng dụng ngân hàng đều cài đặt trên điện thoại thông minh", ông Igor, người dân Moscow Liên bang Nga, cho hay.
"Tất cả hàng hóa nước ngoài đều được thanh toán bằng thẻ. Không rõ chúng tôi sẽ mua hàng và những thứ khác như thế nào nếu SWIFT bị ngắt", anh Sergei, người dân Moscow, Liên bang Nga, bày tỏ.
Đồng Ruble đã giảm gần 30%, xuống mức thấp nhất từ trước tới nay so với đồng USD, với mốc gần 95 Ruble đổi 1 USD trong ngày 1/3. Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20%, một ngày sau khi công bố một loạt biện pháp hỗ trợ thị trường trong nước nhằm xử lý hậu quả từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nền kinh tế Nga hiện đang đối mặt với một tình huống hoàn toàn phi tiêu chuẩn và người Nga buộc phải linh hoạt trong điều kiện không dễ dàng. Hệ thống nhắn tin tài chính thay thế SWIFT ở trong nước và hệ thống thẻ thanh toán nội địa đã được vận hành, nhưng đời sống kinh tế của người Nga còn chịu nhiều ảnh hưởng khi cuộc chiến cấm vận giữa Nga và các nước phương Tây còn tiếp tục kéo dài.
Những tác động tới Việt Nam khi Nga bị loại khỏi SWIFT
Việc Nga bị loại khỏi hệ thống của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) đã và đang có những tác động nhất định tới kinh tế và hoạt động giao thương của Việt Nam. Trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất khẩu nhưng về lâu dài, điều này sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại của doanh nghiệp.
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, khi Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, các khách hàng có hoạt động đầu tư, giao thương với Nga, trong đó có cả Việt Nam sẽ chịu tác động nhất định. Nông sản, dầu khí hay tiền kiều hối... của Việt Nam sẽ chịu tác động.
"Các quá trình thương mại của Việt Nam với Nga vào thời điểm này một phần do kỹ thuật không thực hiện được, nên có thể ảnh hưởng nhất định. Đây là vấn đề trung hạn", ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, đánh giá.
Việc Nga bị loại khỏi SWIFT được các chuyên gia đánh giá sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại. (Ảnh Reuters)
"Bị ngắt kết nối với SWIFT thì giao dịch thanh toán giữa Việt Nam với Nga về cơ bản sẽ không thực hiện qua mạng này được, nên sẽ gây ảnh hưởng đến thanh toán quốc tế của chúng ta. Tuy nhiên việc thực hiện qua trung gian thanh toán này có thể mất thêm thời gian vì phải tra soát chứng từ giữa các bên, thứ hai là tốn chi phí", PGS.TS. Phạm Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng, cho biết.
Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga tính đến cuối năm 2021 đạt khoảng 7,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tức là chỉ chiếm khoảng hơn 1% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
"Xung đột cộng với cấm vận sẽ khiến việc giao hàng giữa xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nga bị chậm, chi phí vận chuyển tăng mạnh, làm tăng chi phí. Ngoài ra, tỷ giá cũng bị ảnh hưởng. Khi đồng Ruble mất giá cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu và ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam", PGS.TS. Phạm Hoàng Anh cho biết thêm.
Như vậy, việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các hoạt động giao dịch thương mại, chuyển và rút tiền giữa doanh nghiệp và đối tác phía Nga gặp khó khăn. Việc tìm những cách thức thanh toán khác để thay thế và không làm gián đoạn hoạt động giao thương chắc chắn sẽ được các doanh nghiệp tính đến.
Là một quốc gia có độ mở về nền kinh tế khá lớn, tham gia nhiều hiệp định thương mại, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine, nhất là trong giai đoạn nước ta đang phục hồi nền kinh tế, việc các hoạt động xuất khẩu bị thiệt hại cũng sẽ tác động đến mục tiêu hồi phục.
End of content
Không có tin nào tiếp theo