Tăng cường kết nối thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Đông Âu
TP.HCM: Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hơn 200 dự án lớn / Chính sách hỗ trợ với học viên DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ
Là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - Đông Âu, do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 8/5, tại TP. Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ pháp lý vững chắc để phát triển hợp tác song phương, bao gồm: 14 Ủy ban liên Chính phủ, một cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Ba Lan và 01 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan).
Kể từ khi có hiệu lực từ năm 2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu đã mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực cho các bên tham gia.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực Đông Âu đạt 10,1 tỷ USD, tức là chỉ chiếm 2,65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa các bên.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng là rất đáng mừng (tăng 30,53% so với năm 2017), trong đó xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD (tăng 28,67%) và nhập khẩu đạt 3,6 tỷ USD (tăng gần 33,97%). “Tôi cho rằng còn rất nhiều cơ hội, dư địa rất lớn cho tăng trưởng thương mại giữa hai bên” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Đánh giá dung lượng thị trường Đông Âu, bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ - cho biết, thị trường các nước khu vực Đông Âu còn nhiều tiềm năng, có mức phát triển GDP trung bình tương đối cao. Cụ thể, Đông Âu có diện tích khoảng gần 24 triệu km2, dân số 400 triệu người, GDP bình quân đầu người trung bình của khu vực 9.300 USD, tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực là 4%. Đặc biệt các mặt hàng tiêu dùng ở đây không có nhiều các tiêu chuẩn khắt khe như các nước Tây Âu nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam qua thị trường này đang có sự tăng trưởng mạnh.
Chẳng hạn, với thị trường Liên bang Nga, trong 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Liên bang Nga đạt 1,13 tỷ USD, tăng 10,65% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga đạt 680,9 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2018; riêng với dệt may, xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 136 triệu USD, tăng trưởng ở mức 13%/năm.
Hay với thị trường Slovakia. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Slovakia vẫn là các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như giày dép, hàng may mặc, thủy hải sản, máy công nghiệp, phụ tùng máy và thiết bị điện... Dù giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Slovakia tuy không cao so với các thị trường lớn khác trên thế giới, nhưng luôn có vị trí quan trọng, là bàn đạp thích hợp vào thị trường Visegrad/Đông Âu.
Là địa phương có nhiều sản phẩm xuất khẩu vào Đông Âu, ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết: tỉnh này xem Đông Âu là thị trường truyền thống. Trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang khối Đông Âu đạt hơn 27 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2017. Các sản phẩm xuất khẩu gồm hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (may mặc, giày da và gốm).
Đại diện DN Việt Nam ký kết hợp tác với DN khu vực Đông Âu |
Cần hỗ trợ thông tin thị trường cho DN
Mặc dù vậy, theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN), hiện việc tiếp cận thị trường Đông Âu đang gặp phải nhiều vướng mắc trong thanh toán, DN không được thông suốt về thông tin thị trường vì đơn hàng còn nhỏ, doanh thu xuất khẩu chưa cao và doanh thu các mặt hàng có sự trồi sụt, năm nay cao nhưng có thể năm sau bị giảm.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho hay, hiện có khoảng 20 DN dệt may của TP. Hồ Chí Minh vẫn còn xuất khẩu sang Đông Âu nhưng số lượng xuất đi rất nhỏ do thủ tục thanh toán, DN khó mở L/C…
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam nêu thực tế: Trước đây ngành da giày đã xuất khẩu vào Đông Âu nhưng trong một khoảng thời gian dài đã bỏ trống thị trường này để tập trung nhiều vào EU, Mỹ. Do vậy khi quay lại lại gặp trở ngại trong cách thanh toán cũng như văn hóa kinh doanh. “Dù chúng tôi đã tổ chức nhiều đoàn DN đi khảo sát nhưng DN ngại thay đổi văn hóa kinh doanh mà họ đã thiết lập hàng chục năm nay với Mỹ, EU… Thêm vào đó DN vẫn thường mang cái mà họ có đi chào hàng chứ không phải mang cái mà thị trường cần. Đây là những trở ngại lớn nhất khiến việc tiếp cận thị trường này chưa hiệu quả”, bà Xuân nói.
Từ các khó khăn trên, DN đề xuất cần có những cuộc kết nối hai bên để DN Việt biết thị trường này cần những sản phẩm gì, cụ thể ra sao và qua đó đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp… Ngoài ra, Bộ Công Thương cần hỗ trợ xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm, theo từng nhóm lĩnh vực ngành hàng để DN tìm hiểu cụ thể.
Với những phản ánh và đề xuất của DN, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Bộ Công Thương luôn mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực, tổ chức thường xuyên hơn nữa các hoạt động nhằm tăng cường sự kết nối giữa Việt Nam và khu vực Đông Âu.
Trong tương lai, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh châu Âu và Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ các hàng rào thương mại, thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa Việt Nam với các nước châu Âu nói chung, khu vực Đông Âu nói riêng. Các FTA sẽ hỗ trợ Việt Nam tận dụng các lợi thế từ các chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi các hiệp định có hiệu lực. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo