Thị trường

Thái Bình: Làm giàu từ trồng vải u trứng

Về thôn Thượng Xá, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) hỏi ông Đặng Công Chính người dân ở đây ai cũng biết bởi ông là một trong những hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã.

An Giang: Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém năng suất / Nam Định: Nuôi cá trắm đen, lãi cả tỷ đồng

Mô hình trồng vải của ông Đặng Công Chính, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Chúng tôi đến thăm vườn vải của ông Chính vào cuối tháng 6/2020 khi những chùm vải trĩu quả, mọng nước đang chín rộ. Ông Chính chia sẻ: Cách đây 20 năm, thấy hai bên bờ sông Minh Hồng của xã đất đai màu mỡ thích hợp để trồng các loại cây ăn quả tôi đã xin chuyển nhượng mục đích sử dụng đất và xây dựng mô hình trồng cây ăn quả. Tận dụng được nguồn nước tưới tự nhiên, tôi đã nhập giống cây vải u trứng từ huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương về trồng. Đây là loại vải có nhiều ưu điểm: quả to, mã đẹp, chất lượng vượt trội, được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao hơn các giống vải khác.

Đến nay, gia đình tôi đầu tư gần 200 triệu đồng cho mô hình trồng vải. Để cây đậu nhiều quả, cho năng suất và chất lượng cao, từ cuối tháng 9 sau khi thu hoạch xong tôi bắt đầu tỉa cành, lá cho cây thông thoáng rồi tưới nước, kích thích cho cây ra hoa. Đến tháng 3, tháng 4 năm sau cây bắt đầu ra hoa, kết trái thì tiến hành nuôi dưỡng quả vải và phòng sâu bệnh cho cây.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, chăm sóc kỹ lưỡng từng gốc vải nên năm nào mô hình trồng vải của ông Chính cũng được mùa. Có những năm thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh hại khiến diện tích trồng vải của hầu hết các hộ trong xã đều đạt năng suất thấp hơn song vườn vải của gia đình ông vẫn cho năng suất cao.

Cách mà ông áp dụng là sử dụng phân chuồng ủ hoai mục mỗi năm bón hai lần: bón thúc mầm và bón thúc quả, ngoài ra bón thêm đạm, lân và kali cho vải sinh trưởng và phát triển tốt. Để phòng, trừ sâu bệnh, ông Chính chủ yếu dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên rau quả an toàn và dừng việc phun phòng sâu bệnh trước thời điểm thu hoạch ít nhất 1 tháng để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sử dụng.

Nhờ bám sát kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vải nên đến nay mô hình của ông Đặng Công Chính đã mở rộng được hơn 8 sào trồng vải u trứng và nhãn lồng. Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng. Thời tiết năm nay nắng nhiều, nhiệt độ cao nên 40 gốc vải u trứng và 40 gốc nhãn lồng Hưng Yên cho năng suất và chất lượng cao hơn mọi năm, quả ngọt, mọng nước, chắc chắn sẽ cho thu nhập cao hơn năm trước.

 

Để cây vải sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng tốt, thời gian tới ông Chính tiếp tục tích lũy kinh nghiệm từ thực tế, học hỏi bí quyết của người trồng vải lâu năm để áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, ông cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cho các hộ trồng vải tại địa phương với mong muốn nông dân trồng vải có thêm nhiều mùa vụ bội thu hơn nữa.

Ông Chính cho biết thêm: Lâu nay, đa số người dân trồng vải là tự phát, theo truyền thống, tự học hỏi và áp dụng. Tôi mong muốn hội nông dân các cấp hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc đúng quy trình để cây vải ra hoa, đậu quả nhiều, để nâng cao giá trị kinh tế từ cây vải. Cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện để những hộ trồng vải trên địa bàn xã liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho cây vải, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho hội viên nông dân.

Ông Nguyễn Văn Hinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Minh đánh giá: Mô hình trồng vải của ông Đặng Công Chính là một trong những mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc tốt nên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua mô hình này chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn, nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho hội viên nông dân.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm