Thấy gì từ sự sụt giảm kim ngạch xuất, nhập khẩu trong quý IV/2022?
DNVN - Theo ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), kim ngạch xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) suy giảm trong quý IV/2022 là dấu hiệu cảnh báo và cho thấy doanh nghiệp nhập khẩu ít đi, từ đó tác động đến chu kỳ sản xuất tiếp theo và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất hàng hóa phục vụ XK.
Giá heo hơi ngày 30/12/2022: Ngành chăn nuôi năm 2022 đối mặt với nhiều khó khăn / Giá nông sản ngày 30/12/2022: Cà phê tiếp tục giảm, tiêu tăng mạnh
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch XNK hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Trong đó XK tăng 10,6%; NK tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.
Trong quý IV/2022, kim ngạch XK ước đạt 89,5 tỷ USD, giảm 7,1% so với quý III/2022 và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước.
Trong quý IV/2022, kim ngạch NK ước đạt 85,07 tỷ USD, giảm 5,8% so với quý III/2022 và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước.
Kim ngạch XNK cả năm 2022 đạt con số ấn tượng nhưng trong quý IV đã chứng kiện sự sụt giảm.
Bình luận về những con số này, ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 của Việt Nam đạt 732,5 tỷ USD là con số rất ấn tượng trong bối cảnh tổng cầu thế giới năm 2022 sụt giảm. Trong đó, XK đạt 371,9 tỷ USD, tăng 10,6%, NK đạt 360,7 tỷ USD, tăng 8,4%. Mức tăng như này có thể được đánh giá là một điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Và cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu ở mức 11,2 tỷ USD, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, số liệu trong quý IV cho thấy có dấu hiệu suy giảm. Cụ thể, XK có xu hướng giảm theo quý. Quý I tăng 13,4%, quý II tăng 21,1%, quý III tăng 17%, và quý IV giảm 6,1%.
Trong mức giảm 6,1% trong quý IV năm nay, khu vực kinh tế trong nước giảm mạnh nhất với mức giảm lên tới 14,8%, còn khu vực đầu tư nước ngoài giảm nhẹ 2,7%.
Xét về kim ngạch XK một số mặt hàng chủ lực, theo dõi của Tổng cục Thống kê cho thấy, những mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trong quý IV vừa qua nhóm những mặt hàng này ghi nhận sự sụt giảm. Điện thoại, các loại linh kiện đạt 14,2 tỷ USD, giảm 14%. Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 5,3%. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 11,5 tỷ USD, giảm 4,6%. Hàng dệt may đạt 8,5 tỷ USD, cũng là con số rất cao mặc dù quý IV giảm 8,9%. Tổng giá trị 4 nhóm hàng XK này đạt 47,6 tỷ USD và đều giảm mạnh. Đáng chú ý cơ cấu 4 nhóm hàng này chiếm đến 53,2% trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam.
Và theo dõi chi tiết từng tháng có thể thấy xu hướng giảm liên tiếp qua các tháng, đặc biệt là đối với kinh tế trong nước 3 tháng liên tiếp đều giảm. Trong đó tháng 10 giảm 7,8%, tháng 11 giảm 14,1% và đến tháng 12 giảm sâu là 22,4%. Còn khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài, tháng 10 tăng 9,7%, tuy nhiên tháng 11 giảm 7% và tháng 12 giảm 11,1%.
Đáng lưu ý trong kỳ họp báo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022, Tổng cục Thống kê nhận thấy một số điểm sáng là các sản phẩm XK như nông sản, thủy sản, thức ăn gia súc và nguyên liệu. Tuy nhiên, trong quý IV, những nhóm hàng này đều có sự sụt giảm. Cụ thể, XK thủy sản tháng 10 chỉ tăng nhẹ 1,4%, nhưng tháng 11 giảm 13,3% và tới tháng 12 giảm tiếp 15,4% so với cùng kỳ. XK cà phê giảm 4,9% trong tháng 10, giảm 16,8% trong tháng 12.
Nếu nhìn kỹ theo nhiều nhóm sản phẩm khác thì có những nhóm sản phẩm XK sụt giảm 30 - 40%, thậm chí 50 - 60%. Điển hình như XK sắt thép tháng 10 giảm 65,7%, tháng 11 giảm 58,9%, và sang tháng 12 tiếp tục giảm tới 51,5% so với cùng kỳ.
Còn xét về NK, tiếp tục có xu hướng sụt giảm theo quý. Quý I tăng 15,2%, quý II tăng 15,8%, quý III tăng 7,6%, và quý IV giảm 3,9%. Đối với 3 nhóm hàng chủ lực Việt Nam NK cũng ghi nhận sự sụt giảm. Trong đó, NK điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,1 tỷ USD, giảm 16,2%. NK máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 10,9 tỷ USD, giảm 4,8%. NK điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, giảm 18,1%.
Ngoài ra, xét theo khu vực kinh tế theo các tháng cũng đều có sự sụt giảm, đặc biệt ở khu vực FDI có sự sụt giảm mạnh hơn so với khu vực kinh tế trong nước.
Cụ thể, trong tháng 11 NK của khu vực FDI giảm 11,1% - tương đương mức giảm của tháng 12. Khu vực kinh tế trong nước có sự sụt giảm nhẹ hơn.
Về tổng quan cả XK và NK có thể thấy đều có sự sụt giảm theo quý và nếu nhìn liên tiếp theo tháng thì đây cũng là dấu hiệu cho thấy năng lực XK của Việt Nam sụt giảm.
"Xuất siêu 11,2 tỷ USD trong năm 2022 theo chúng tôi trong ngắn hạn nhìn có vẻ tốt nhưng thực chất đã có những dấu hiệu để cảnh báo và cho thấy DN có sự NK ít đi. Theo đó, sẽ tác động đến chu kỳ sản xuất tiếp theo và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc sản xuất các sản phẩm phục vụ cho XK", ông Nguyễn Việt Phong nói.
Do vậy, theo dự báo năm 2023 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và lạm phát, đồng thời thực trạng suy thoái kinh tế của nhiều quốc gia trong năm mới dẫn tới nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm. Và điều này chắc chắn sẽ tác động bất lợi đối với hoạt động XNK của Việt Nam.
Các DN hàng XK, kể cả DN FDI và DN trong nước đều có sự sụt giảm đơn hàng. Do vậy, hoạt động XNK hàng hóa của Việt Nam trong năm tới có thể gặp khó khăn.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo