Thị trường

Thị trường Á-Âu giàu tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu

Phần lớn sắc thuế của Việt Nam xuất sang khu vực Á-Âu được hưởng 0% là thuận lợi cho DN khi xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt hàng nông, lâm, thủy sản….

Sửa quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu / Tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu giảm đáng kể

Được coi là thị trường truyền thống của Việt Nam, khu vực Á – Âu (Eurasia) với 28 quốc gia trải dài từ Đông Âu sang Trung Á hiện nay càng được đánh giá là thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng với nhiều dư địa khi các DN tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do EAEUFTA.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay, mặc dù phải đối mặt với những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch COVID-19, song năm 2021, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam với thị trường Á – Âu vẫn đạt con số khá ấn tượng với 12,7 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

“Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tổng nhu cầu nhập khẩu khoảng 1.345 tỷ USD của các nước trong khu vực (chỉ chiếm 0,66% thị phần). Vì vậy, dư địa cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn rất lớn”, ông Tạ Hoàng Linh đánh giá.

Sản phẩm trái cây Việt Nam được nhiều quốc gia tại thị trường Á - Âu ưa chuộng.

Liên bang Nga là một trong những đối tác chính của Việt Nam tại thị trường Á-Âu. Theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga, người dân Nga ngày càng yêu thích món ăn Việt Nam. Các loại trái cây sấy dẻo Việt Nam có chất lượng tốt như xoài sấy, mãng cầu… từng bước thâm nhập tốt thị trường này.

“Vừa qua Liên minh kinh tế Á – Âu đã đưa 76 nước, trong đó có nhiều nước đối thủ của Việt Nam về xuất khẩu hàng hóa vào Nga nói riêng, Liên minh kinh tế Á - Âu nói chung như Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Peru, Chile… ra khỏi các nước hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập của khối. Trong khi đó, sau 5 năm thực hiện FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEUFTA), phần lớn sắc thuế của Việt Nam xuất sang khu vực này được hưởng 0%. Đây là thuận lợi cho DN khi xuất khẩu hàng hóa sang Nga, đặc biệt hàng nông, lâm, thủy sản”, ông Dương Hoàng Minh thông tin.

Ukraine là thị trường trong khu vực Á- Âu mà hàng Việt có nhiều cơ hội thâm nhập, đặc biệt là hàng nông sản. Bà Natalia Zhynkina, Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam cho biết, Ukraine có nhu mua nhiều sản phẩm nông sản với mức nhập khẩu năm 2021 khoảng 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ đạt 900 triệu USD. Điều này cho thấy thương mại hai nước còn nhiều tiềm năng phát triển.

Tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại

Để tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu với thị trường Á- Âu nói chung, thị trường Nga nói riêng, ông Dương Hoàng Minh cho rằng, các DN Việt Nam cần chủ động khảo sát thị trường, tham gia nhiều hơn triển lãm chuyên ngành tại Nga. Bên cạnh đó, DN nên hợp tác với các DN Việt Nam tại Nga để tìm hiểu, giới thiệu, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm vào Liên minh Kinh tế Á - Âu. Về khâu sản xuất, các hợp tác xã, các DN Việt Nam nên mở rộng quy mô, đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều, bao bì mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng…

 

Bà Natalia Zhynkina cũng lưu ý, khi xuất khẩu sang Ukraine nói riêng và khu vực Á – Âu nói chung, DN Việt Nam cần nắm chắc tiêu chí và yêu cầu đối với cơ quan hải quan. Đối với những vấn đề phát sinh trong giao thương, hai bên cần liên hệ với cơ quan chức năng để được giải quyết nhanh nhất.

Các DN Việt Nam nên mở rộng quy mô, đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều, bao bì mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng khu vực Á - Âu.

Theo ông Đỗ Xuân Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Mareven Food Central (DN sản xuất thực phẩm tiêu dùng hàng đầu tại khu vực Đông Âu), hiện nay kênh phân phối hàng hóa hiện đại tại các nước Đông Âu đang phát triển rất nhanh, thay thế cho kênh phân phối truyền thống. Cách tiếp cận của DN đối với 2 hệ thống phân phối này đang có nhiều khác biệt, nếu DN của Việt Nam nếu không có sự chuẩn bị tốt sẽ rất khó đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại.

“Dù phân phối trực tiếp hay làm gia công, các DN cũng cần có cơ sở sản xuất tại chỗ, hoặc ít nhất cũng cần cơ sở kho bãi. Với yêu cầu của các hệ thống phân phối mới hiện nay, yếu tố chính xác về thời gian, hàng hóa là rất cần thiết. Với những đơn hàng có thời hạn đặt rất xa, các DN cần tránh rơi vào cảnh sai hợp đồng, bị phạt, ảnh hưởng lớn đến quan hệ với các hệ thống phân phối này”, ông Đỗ Xuân Hoàng lưu ý.

Cũng theo ông Hoàng, DN Việt Nam khi vào thị trường lần đầu nên tiếp cận hệ thống phân phối có quy mô nhỏ hơn ở địa phương. Sau một thời gian, khi đã hiểu biết sâu về thị trường, có dòng hàng ổn định, điều chỉnh được sản phẩm cũng như giá thành phù hợp, lúc đó mới quay lại đàm phán với hệ thống phân phối lớn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm