Thời cơ cho bảo hiểm phương Tây 'đổ bộ' vào Trung Quốc
Lắp điện mặt trời áp mái được bảo hiểm / Hà Nội: Các đơn vị còn nợ gần 1.800 tỷ đồng bảo hiểm xã hội
Các công ty bảo hiểm nước ngoài đang rục rịch cho một cuộc “đổ bộ” mới trên quy mô lớn vào Trung Quốc nếu được nới lỏng hơn nữa các quy định về sở hữu nước ngoài.
Tận dụng cơ hội
Theo Financial Times, Trung Quốc không khác gì một mỏ vàng mà các hãng bảo hiểm phương Tây nhấp nhổm muốn nhảy vào khai thác. Đại diện của Prudential từng nhận định Trung Quốc sẽ là “thị trường phát triển nhanh nhất trong nhiều năm tới”. Giám đốc điều hành của Allianz thì ca ngợi đây là một “thị trường chiến lược”. Với quy mô dân số khổng lồ của Trung Quốc và tỷ lệ người có bảo hiểm tương đối thấp (114 triệu người có bảo hiểm nhân thọ), sự hào hứng này là điều dễ hiểu.
Nhưng tên tuổi lớn chưa chắc đã đi liền với thắng lợi dễ dàng khi các đối thủ trong nước cũng sừng sỏ không kém. Dù đã hoạt động ở Trung Quốc hàng chục năm trời, tổng thị phần của khối bảo hiểm ngoại vẫn dưới 5%.
Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2003, Trung Quốc chịu áp lực phải mở cửa lĩnh vực dịch vụ tài chính cho các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình thay đổi diễn ra chậm chạp và Bắc Kinh bị nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm lớn chỉ trích là can thiệp sâu và trì hoãn cải tổ. Cho dù hầu hết các công ty bảo hiểm nước ngoài đã được phép tăng tỷ lệ sở hữu lên 50% nhưng còn nhiều nội dung cải cách quan trọng khác chưa được triển khai.
Năm 2019 được chờ đợi sẽ có bước đột phá khi lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đưa ra lộ trình và điều kiện rõ ràng để các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, quản lý tài sản, ngân hàng và bảo hiểm được nâng trần sở hữu trong liên doanh và thậm chí là sở hữu 100% trong một số trường hợp.
Ngay lập tức động thái này thu hút được sự chú ý từ ngành bảo hiểm. Tập đoàn Axa của Pháp đã mua lại 50% liên doanh Axa Tianping trong một thỏa thuận chưa từng có ở Trung Quốc. Trong khi đó, Allianz của Đức đã được cấp phép thành lập một công ty thuộc sở hữu 100%.
Prudential của Anh cũng muốn tăng cổ phần của mình trong hai liên doanh tại Trung Quốc lên trên 50% và coi Trung Quốc là một trong những con át chủ bài trong chiến lược phát triển ở châu Á. Tháng 9/2018, Prudential đã ký được thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc về việc xây dựng hệ thống lương hưu quốc gia.
China Life hiện có mạng lưới đại lý lớn nhất thế giới |
Bức tường thành“Made in China”
Theo báo cáo năm 2018 từ công ty tư vấn kiểm toán PwC, phí bảo hiểm bình quân đầu người ở Trung Quốc là 345 USD và tỷ lệ phí bảo hiểm trên GDP là 4,2% trong năm 2016 (tức là chỉ bằng một nửa ở Mỹ).
Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2017, phí bảo hiểm nhân thọ ở Trung Quốc đã tăng với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm khoảng 23%, đạt 330 tỷ USD trong năm 2017. Phí bảo hiểm y tế tăng hơn 40% mỗi năm lên tới 68 tỷ USD vào năm 2017.
Bằng cách thâu tóm toàn bộ liên doanh tại Trung Quốc, các công ty nước ngoài kỳ vọng sẽ thu lời từ đà tăng trưởng đó. Nhưng giới phân tích cho rằng nói thì dễ, làm mới khó.
Các công ty bảo hiểm Trung Quốc hiện có mạng lưới đại lý lớn nhất thế giới, tạo thành một “bức tường thành” gây khó dễ cho bất kỳ thế lực mới nào muốn gia nhập thị trường. Chẳng hạn như China Life có khoảng 2 triệu đại lý, còn Ping An có hơn 1 triệu.
Nhiều ý kiến cho rằng sẽ là khôn ngoan hơn nếu các công ty nước ngoài tránh đối đầu trực diện với đối thủ nội. Thay vào đó, nhắm thẳng vào các lĩnh vực thế mạnh có thể mang lại hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, việc cho phép các công ty nước ngoài sở hữu 100% cũng không có nghĩa là mọi rào cản pháp lý khác sẽ được gỡ bỏ. Muốn mở rộng địa bàn hoạt động sang các thành phố mới, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vẫn phải xin được giấy phép từ chính quyền sở tại. AIA của Hồng Kông là một ví dụ điển hình khi kiểm soát 100% hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc hàng chục năm qua nhưng mới chỉ được hoạt động ở hai tỉnh và bốn thành phố.
End of content
Không có tin nào tiếp theo