Thủ tướng đề nghị Brazil tạo thuận lợi cho hàng nông sản Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng 90% doanh nghiệp chép điều lệ mẫu trong Luật Doanh nghiệp / Thủ tướng yêu cầu kiểm tra điều chỉnh mức giá bán điện
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh kết quả làm việc của bà Bộ trưởng với các cơ quan liên quan Việt Nam; khẳng định Việt Nam đánh giá cao vai trò, vị thế chính trị và kinh tế ngày càng gia tăng của Brazil trên trường quốc tế, coi trọng tăng cường mở rộng quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Hai nước có triển vọng hợp tác thương mại rất lớn, nhất là nông nghiệp.
Bộ trưởng Tereza Cristina bày tỏ vui mừng khi được thăm Việt Nam đúng dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Brazil rất ấn tượng về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Do đó Brazil rất mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Trong chuyến thăm này, đoàn đã kết nối được nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Brazil, bà Tereza Cristina. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Bộ trưởng Tereza Cristina khẳng định Brazil cam kết sẽ nỗ lực nhanh nhất để mặt hàng tôm Việt Nam vào được thị trường nước này, qua đó góp phần cân bằng thương mại song phương. Việt Nam chính là cánh cửa để nông sản Brazil thâm nhập thị trường ASEAN.
Bà Bộ trưởng cho biết Brazil mong muốn xuất khẩu sang Việt Nam những sản phẩm có thế mạnh, trong đó có hàng nông sản như thịt bò. Đoàn có nhiều cán bộ cấp cao và khoảng 20 doanh nghiệp Brazil thăm làm việc tại Việt Nam lần này, cho thấy sự quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam.
Brazil cũng đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), do đó có thuận lợi thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước Mercosur.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ thương mại là điểm sáng trong quan hệ hai nước.
Cho rằng nông nghiệp là lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, qua đó góp phần giảm nhập siêu của Việt Nam từ Brazil.
Với việc kim ngạch hai chiều tăng gần 9 lần trong 10 năm trở lại đây, đưa Brazil trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin và thứ 2 tại châu Mỹ (chỉ sau Hoa Kỳ), Thủ tướng đề nghị Brazil tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản của Việt Nam, trong đó có cá tra và tôm cùng các mặt hàng nông sản khác.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Thủ tướng đề nghị thời gian tới, hai nước thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó tăng cường thương mại và đầu tư với quy mô lớn hơn. Hai bên cần sớm tái khởi động phiên 3 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Brazil để rà soát, đôn đốc và xây dựng các chương trình, dự án hợp tác cụ thể trong thời gian tới, đồng thời tăng cường vận động, thúc đẩy các doanh nghiệp thiết lập quan hệ hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực hai bên có tiềm năng, thế mạnh và tính bổ trợ lẫn nhau. Hai bên cũng cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và giáo dục.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và Mercosur; đề nghị hai bên phối hợp nghiên cứu khả năng khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam-Mercosur.
Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn Brazil đã ủng hộ Việt Nam ứng cử trở thành Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Tán thành với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các vấn đề nêu ra, bà Bộ trưởng cho biết ngay sau chuyến thăm sẽ báo cáo Tổng thống Brazil để có giải pháp đẩy mạnh hợp tác hai nước. Trong đó có việc thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, giáo dục. Brazil cũng sẽ nỗ lực giải quyết việc nhập khẩu ngay một số sản phẩm nông sản của Việt Nam, nhất là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như tôm, cá tra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đội bay Emirates đón chiếc A350-900 đầu tiên
Hè 2025, Cebu Pacific sẽ nâng tần suất đường bay Manila – Đà Nẵng lên 2 chuyến/ngày
Mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam đang ở cấp độ thấp
Hỗ trợ du khách quốc tế thanh toán online thuận tiện tại Việt Nam
Nhiều nước muốn gia nhập CPTPP
Công ty Quản lý quỹ NTP bị xử phạt