Thủ tướng đề nghị cộng đồng DNNVV "tham chiến" mạnh mẽ vượt qua Covid-19
DNVN - Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) "tham chiến" mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp.
DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp / Hỗ trợ DNNVV: Thái Lan giảm lãi suất, Trung Quốc áp dụng chế độ ưu tiên
Tại cuộc họp khẩn hôm 10/3 tại trụ sở VINASME về tình hình diễn biến dịch Covid-19, đồng thời tổ chức kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách đối với doanh nghiệp nhằm ứng phó với dịch lây lan (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 11), Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện cho ông thông báo rằng, với việc ban hành Chỉ thị 11, Chính phủ tiếp thu các đề xuất, kiến nghị từ cộng đồng DNNVV để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, chung tay cùng DN vượt qua đại dịch Covid-19 hiện nay.
Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến các cơ quan đơn vị của hiệp hội, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang rất quyết liệt trong chỉ đạo phòng chống dịch, mặt khác tạo mọi cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời điểm hết sức cấp bách hiện nay. Do đó, chúng ta phải chủ động đưa ra các giải pháp ngay lập tức để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Trên tinh thần hết sức nghiêm túc, khẩn trương, mọi đơn vị phải có hành động thiết thực ngay sau cuộc họp này”.
Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân tại cuộc họp khẩn về tổ chức kế hoạch thực hiện Chỉ thị 11.
Trước đó, VINASME đã có công văn đề nghị các Hiệp hội/Hội doanh nghiệp tỉnh, thành phố, các Ban và đơn vị trực thuộc báo cáo về diễn biến, tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại từng địa phương nhằm sớm có giải pháp tháo gỡ, định hướng khắc phục.
Báo cáo của các đơn vị thành viên cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị xáo trộn, tâm lý e dè, lo sợ, tích trữ hàng hóa trong dân cư, việc kiểm dịch khắt khe ở các cửa khẩu biên giới đã ảnh hưởng lớn đến các DN cung cấp dịch vụ như du lịch, giáo dục, logistics... Nhiều DN phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên, vật liệu từ Trung Quốc hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc đang và sẽ gặp khó khó khăn.
Với thực trạng tình tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên, VINASME đã đề xuất nhiều giải pháp tức thời và căn cơ có tính hệ thống, đồng bộ.
Về phía Nhà nước, VINASME kiến nghị các cơ quan chức năng cần kịp thời cập nhật thông tin dịch bệnh trên thế giới, nhất là các nước có ảnh hưởng kinh tế lớn tới Việt Nam. Đồng thời cần kiếm soát tốt truyền thông để tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi xuyên tạc, gây hoang mang. Chính phủ cần áp dụng các biện pháp nhất quán và đồng bộ để ổn định thị trường tiêu dùng trong nước, thị trường tài chính, tiền tệ… thực hiện khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi suất… cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi dịch.
Các biện pháp phòng dịch cần thận trọng để tránh tình trạng đóng băng mọi hoạt động của nền kinh tế. Ngoài ra, công tác kiểm soát tại cửa khẩu phải chú trọng vào việc tạo thuận lợi cho hàng hóa thông quan thay vì gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, Chính phủ cần khuyến khích mô hình kinh tế chia sẻ, hoạt động thương mại điện tử, B2B, hỗ trợ xúc tiến thương mại qua các thị trường mới ngoài Trung Quốc.
Chính phủ cũng cần thúc đẩy các mô hình “số” như nhà máy số để đáp ứng nhu cầu chế biến nông sản, lưu kho chờ vận chuyển; hay tiếp thị số cho hoạt động quảng bá du lịch qua thị trường châu Âu, châu Úc, đặc biệt là chính sách miễn thị thực cho một số thị trường có uy tín cao, hoặc kéo dài thời gian miễn thị thực cho các thị trường cũ. Việc áp dụng thực chất các hiệp định FTA đã có hiệu lực cũng hết sức quan trọng vào thời điểm hiện nay.
Về phía doanh nghiệp, VINASME đề nghị các chủ doanh nghiệp thành viên cần chủ động theo dõi diễn biến của dịch tại các nước có đối tác làm ăn, từ đó đề ra các phương án ứng phó với tình huống xấu nhất. Trước mắt, các doanh nghiệp cần đánh giá chính xác nhu cầu của thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Đồng thời phải có chính sách giữ chân lực lượng lao động chủ chốt để đảm bảo ổn định ngay sau khi dịch kết thúc. Đối với vấn đề vận chuyển hàng phụ trợ từ Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu các phương thức vận chuyển khác, chẳng hạn như đường biển...
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Cột tin quảng cáo