Thủ tướng yêu cầu phải có ngay quy chế giữa ba bộ về lưu thông hàng hóa vùng dịch
DNVN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải có ngay một quy chế giữa 3 bộ gồm Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế để có thể thực hiện chủ trương lưu thông hàng hóa bình thường, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Bộ Công Thương vào cuộc gỡ khó cho Hải Dương về tiêu thụ nông sản / Lo nông dân và DN thiệt hại lớn, Hải Dương lần thứ 2 đề nghị Hải Phòng tạo điều kiện xuất khẩu nông sản
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 24/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến vấn đề lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Nhấn mạnh thông điệp "không ngăn sống cấm chợ", Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch, vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch, vừa không để ách tắc.
Trong khi đó, với Chủ tịch UBND các tỉnh, nhất là các tỉnh đang có dịch, Thủ tướng yêu cầu phải có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể của địa phương, giao quyền cho địa phương ban hành các biện pháp cụ thể ở địa phương mình như phong tỏa, thực hiện các Chỉ thị 15, 16… tùy tình hình địa phương và kịp thời giải tỏa khi tình hình đã ổn định, cụ thể như T.PHCM sáng nay được công bố với hàng chục điểm được giải tỏa, không còn phong tỏa, Thủ tướng nói. “Các đồng chí xem xét cụ thể để không ách tắc”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Thủ tướng nhất trí cho rằng, các địa phương, nhất là khu vực có cảng như Hải Phòng phải bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường, biện pháp thông thoáng, chủ động phòng chống nhưng không ngăn sông cấm chợ và yêu cầu phải có ngay một quy chế giữa 3 bộ để có thể thực hiện chủ trương lưu thông hàng hóa bình thường, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, việc ách tắc hàng hóa thời gian ban đầu tại Hải Dương là kinh nghiệm cho các địa phương khác. Bộ Công Thương đã kết nối với các đơn vị tiêu thụ lớn, tập đoàn bán lẻ để tiêu thụ hàng hóa cho Hải Dương, tuy nhiên, vướng không phải do nhu cầu không có, chuỗi siêu thị không nhiệt tình mà là do vấn đề vận tải. Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn về vận tải hàng hóa an toàn, nhưng có tình trạng các tỉnh hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau. Đến nay, vấn đề cơ bản đã được xử lý nhưng cần phải rút kinh nghiệm. Theo ông Đặng Hoàng An, tháo gỡ để hàng hóa lưu thông là điều kiện căn bản để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Theo nguồn tin từ Báo Hải Dương, đã hơn 1 tuần kể từ khi Hải Dương thiết lập cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng tình trạng ách tắc trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa vẫn xảy ra tại các chốt tiếp giáp địa phương lân cận. Liên tục những ngày qua, các Sở: Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương theo chức năng, nhiệm vụ đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn trong quá trình lưu thông hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng từ Hải Dương đi các địa phương khác. UBND tỉnh Hải Dương đã nhiều lần có công văn đề nghị UBND TP Hải Phòng sớm tạo điều kiện cho nông sản của tỉnh này lưu thông vào Hải Phòng để kịp thời xuất khẩu, nhưng phía Hải Phòng vẫn cho rằng phương án tỉnh Hải Dương đưa ra chưa hợp lý, khó khả thi. Ước tính đến đầu tháng 3, nếu nông sản của Hải Dương, trong đó có cà rốt tiếp tục không thể xuất khẩu sẽ gây thiệt hại trên 400 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh Hải Dương đề nghị Trung ương cần có chỉ đạo ngay, điều tiết phù hợp thực tế để giúp Hải Dương cũng như các tỉnh, thành phố an toàn trong phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm lưu thông hàng hóa. |
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo