Thị trường

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm

Nhiệm vụ phục hồi sản xuất, hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD nông sản là một nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp từ nay đến cuối năm.

Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Quảng Ninh do phát hiện virus Sars-CoV-2 trên bao bì / Cục Hàng không đề xuất kế hoạch hồi phục hoạt động vận tải hàng không nội địa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông sản tháng 8 giảm tới 21% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 3,4 tỷ USD. Như vậy, tuy tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng vẫn tăng, nhưng nhìn vào kết quả xuất khẩu tháng 7 đi xuống, tháng 8 giảm sâu.

Dù đơn hàng nhiều, nhưng 2 tháng qua, Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của khách hàng do thực hiện "3 tại chỗ". Trước việc một số địa phương nới rộng giãn cách xã hội, doanh nghiệp mong muốn được khôi phục sản xuất, nhanh chóng chuẩn bị phương án "1 cung đường, 2 điểm đến" và dự kiến kéo dài thời gian thu hoạch.

"Nếu nới lỏng giãn cách, lực lượng lao động sẽ tăng lên 50 - 60%. Hy vọng hết năm nay mọi sự sẽ trở lại bình thường và đủ năng suất làm việc 100% vì nhu cầu thị trường với hàng nông sản của Việt Nam hiện nay đang rất lớn", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group, cho biết.

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm - Ảnh 1.

Chế biến dừa xuất khẩu sang EU tại một nhà máy ở Bến Tre. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Trong khi đó, Công ty TNHH Hoàng Phát Food cũng dự kiến tăng sản xuất lên 30% để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng mới. Mục tiêu của doanh nghiệp là xuất được 60 container/tháng thay vì 40 như hiện nay. Doanh nghiệp phải mở rộng vùng liên kết với người nông dân lên 30%, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực cho người nông dân sớm quay trở lại sản xuất.

Đặc biệt, để khơi thông lại thị trường xuất khẩu trọng điểm, một loạt giải pháp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với Chính phủ, trong đó nhấn mạnh cần sự vào cuộc phối hợp mạnh mẽ từ các bộ, ngành và các địa phương.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng Bộ Ngoại giao xúc tiến thương mại, xuất khẩu đi các thị trường chủ lực, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, làm sao để sớm đưa các sản phẩm như: bưởi, tổ yến, thủy sản tiếp tục được công nhận chính ngạch, rà soát chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc cắt giảm các dòng thuế, phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần sớm được thực hiện.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm