Thủy sản dự báo thất thu vì Covid-19
Xuất siêu kỷ lục gần 14,5 tỷ USD trong 8,5 tháng / Bộ Công Thương hướng dẫn về đầu tư điện mặt trời mái nhà
Nhiều chuyên gia dự báo, giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản cả năm nay chỉ đạt khoảng 8,2 - 8,3 tỷ USD, giảm gần 4% so với năm 2019. Đây là con số sụt giảm đáng kể so với mục tiêu 10 tỷ USD mà toàn ngành đặt ra.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ đầu năm đến hết tháng 8, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận, thủy sản Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh nhất định với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19.
Để đạt lợi nhuận cao, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như các sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp.
Giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản cả năm nay chỉ đạt khoảng 8,2 - 8,3 tỷ USD. Ảnh: Dân trí.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 cũng mở ra không ít cơ hội cho thủy sản Việt. Từ đầu tháng 8/2020 đến nay, xuất khẩu thủy sản sang EU có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020.
EU là thị trường quan trọng với thủy sản. Để tận dụng được lợi ích về thuế quan, các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.
Những tháng cuối năm nay, ngành thủy sản sẽ tiếp tục tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững.
Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để gỡ "thẻ vàng" và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo