Thủy sản Việt Nam tận dụng cơ hội để bứt phá
Xuất khẩu tăng ít, nhập khẩu tăng mạnh
Theo số liệu của VASEP,9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản cả nước ước gần 6,3 tỷ USD, giảm nhẹ gần 0,8% so cùng kỳ năm 2018. Nhưng tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 9 tháng đạt 1,32 tỷ USD, tăng 4,6%; kết thúc 3 quý, ngành thủy sản đạt xuất siêu gần 5 tỷ USD.
Xét về chủng loại sản phẩm xuất khẩu, trừ cá ngừ vẫn tăng khả quan 20%, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khác đều sụt giảm. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 7%, cá tra giảm 8%, mực bạch tuộc giảm 8%; ngược lại, mặt hàng cá biển khác vẫn duy trì tăng trưởng dương 17%, góp phần bù đắp sự sụt giảm của các đối tượng chủ lực.
Đối với con tôm, năm nay sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái.Do vậy, xuất khẩu tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018. Xuất khẩu tôm sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN đều giảm, trong khi chỉ tăng nhẹ tại một số thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Australia.
Đối với mặt hàng cá tra, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sụt giảm mạnh 40%, chỉ đạt 221 triệu USD, do thuế chống bán phá giá giai đoạn POR14 ở mức cao. Việt Nam hiện có 62 doanh nghiệp cá tra đủ chuẩn xuất khẩu vào Mỹ nhưng phần lớn không thể xuất khẩu vì thuế chống bán phá giá cao.Những năm qua, chỉ vài doanh nghiệp như: Vĩnh Hoàn, Biển Đông... không chịu thuế chống bán phá giá hoặc thuế suất thấp có thể xuất khẩu sang Mỹ. Trong 3 quý đầu năm, trong khi chứng kiến xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trên đà hồi phục mạnh, thì xuất khẩu sang các thị trường khác đều đảo chiều theo hướng xấu đi.
Cơ hội xuất hiện
Theo thống kê của Mỹ, Việt Nam đang đứng vị trí thứ 4 trong các nhà nhập khẩu tại đây, với hơn 58.000 tấn. Trung Quốc với sản lượng đạt 40.000 tấn cũng chính là một đối thủ của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Các đại gia xuất khẩu của Việt Nam như Minh Phú, CP… cũng được hưởng thuế suất 0%, tạo ra một không khí phấn chấn đối với ngành tôm Việt Nam đối với thị trường Mỹ. Trong khi đó, Mỹ đánh thuế mặt hàng thủy sản của Trung Quốc lên đến 30%. Nửa đầu năm nay, sản lượng tôm bao bột Trung Quốc xuất sang Mỹ giảm 33% về khối lượng và 36% về giá trị so cùng kỳ 2018, lý do là mặt hàng này phải chịu thuế 25%. Tôm Việt Nam được xem là giải pháp thay thế cho thị trường Mỹ. Trong 5 tháng Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam là 3 nguồn cung chính tôm bao bột cho Mỹ, lần lượt chiếm 31%, 26%, và 25% tổng giá trị nhập khẩu vào Mỹ. Nhờ xuất khẩu từ tháng 7 tăng mạnh nên xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ 9 tháng đầu năm tăng 3% so cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm liên tục 6 tháng đầu năm do lượng tồn kho cao, nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh so cùng kỳ, giá trung bình nhập khẩu giảm 1,1 USD/kg. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực hiện đại hóa các nhà máy sản xuất tôm bao bột và khả năng mặt hàng này của Việt Nam sẽ được tiêu thụ nhiều hơn tại Mỹ trong dịp cuối năm 2019.
Với mặt hàng cá tra, hiện chỉ gặp khó do thuế chống phá giá của Mỹ, nhưng đây chỉ là khó khăn tạm thời. Năm ngoái, cárô phi Trung Quốc chiếm gần 45% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ,trong khi cá tra, basa chỉ chiếm gần 25%. Cá rô phi là đối tượng xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc sang Mỹ (với giá trị đạt 448 triệu USD trong năm 2018) , tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2019, xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ của Trung Quốc giảm mạnh, thậm chí hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc đã đóng cửa. Giới chuyên gia nhận định rất có thể cá tra của Việt Nam sẽ chiếm lĩnh thị trường Mỹ, dần thay thế cá rô phi.
Thuận nhưng không dễ
Lợi thế hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam hầu như không có các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo rằng, tác động tích cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 1,5%. Tuy vậy, dư luận lo ngại làn sóng đầu tư từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. 5 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư FDI từ các nhà đầu tư Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vào Việt Nam tăng đột biến với mức 7,1 tỷ USD, tăng 42,4% so cùng kỳ năm 2018 (chưa kể Trung Quốc đầu tư thông qua các công ty ở hải ngoại).
Tuy nhiên, theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm khó đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm 2018 do thủy sản Việt Nam phải chịu cạnh tranh gay gắt cả về giá và chất lượng. Nguyên nhân do công nghệ NTTS của các nước phát triển khá mạnh, Trung Quốc, Malaysia bắt đầu nuôi cá tra; Thái Lan, Ấn Độ ngày càng kiểm soát tốt bệnh trong nuôi tôm và trúng mùa. Ngoài ra, ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp cũng tác động không nhỏ.
Mặt khác, các xung đột thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc sẽ tác động không nhỏ tới chính sách thương mại, cán cân xuất nhập khẩu. Tiếp đến là các rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu ngày càng nhiều với quy định chặt chẽ hơn, trong đó yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm; cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt... Đặc biệt, tàu cá và ngư dân vẫn vi phạm quy định về đánh bắt IUU, trong khi các nước trong khu vực tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử phạt. Đây là khó khăn lớn cần phải khắc phục ngay để việc gỡ “thẻ vàng” của EC sớm được thực hiện…
VASEP dự báo, trong quý IV, xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu tăng; với kim ngạch năm 2019 dự đạt 3,4 tỷ USD, giảm 4% so năm 2018. Còn cá tra khi tăng trưởng tại Trung Quốc và Mỹ trong thời gian tới, dự báo kim ngạch năm nay đạt khoảng 2,23 tỷ USD, giảm 3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2019 sẽ đạt 8,9 triệu USD, tăng 1,4%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo